12/11/2019

Vĩnh Phúc: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất hiện đại

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai nhiều đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất cho các doanh nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong số đó là đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất tranh kính” của cơ sở Mầu Văn Dũng tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường.

Máy móc mới tại cơ sở anh Mầu Văn Dũng

Được đánh giá là dòng sản phẩm độc đáo, với nhiều ưu điểm vượt trội, tranh kính nghệ thuật 3D đang trở thành xu hướng mới trong phong cách trang trí nội thất hiện đại, đáp ứng nhu cầu trang trí cho các công trình. Tuy vậy, để sản xuất ra một sản phẩm tranh kính nghệ thuật 3D là điều không đơn giản. Ngày đầu mới vào nghề, cơ sở của anh Mầu Văn Dũng đã gặp không ít khó khăn do chưa tiếp cận được với công nghệ sản xuất hiện đại, kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, các sản phẩm sau khi ra lò bị lỗi, không thể sử dụng được. Các nguyên vật liệu đều không có sẵn, phải nhập từ các đơn vị khác trong và ngoài nước, dẫn đến giá thành phẩm khá cao.

Với khao khát làm giàu chính đáng, anh Dũng quyết tâm tìm hiểu thêm quy trình, công nghệ sản xuất thông qua các tài liệu kỹ thuật chuyên ngành và các phương tiện thông tin đại chúng, đi học tập kinh nghiệm ở nhiều xưởng làm tranh ép kính ở Bắc Ninh, Thái Bình. Sau khi tìm hiểu kỹ, chuẩn bị đầy đủ mặt bằng, cơ sở sản xuất tranh kính nghệ thuật 3D của anh Dũng đã mạnh dạn đề xuất đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất tranh kính”, với tổng kinh phí đầu tư 360 triệu đồng trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 100 triệu đồng. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, cơ sở đã đầu tư mua máy cắt kính và máy in phun ACME – dòng máy in thế hệ mới, sử dụng đầu phun Konica 512i-30pl cho phép in tốc độ lên tới 90m2/giờ với 4 đầu phun, hạt mực đảm bảo bản in sắc nét.

Sau khi đưa máy móc mới vào dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm tranh kính nghệ thuật 3D của cơ sở Mầu Văn Dũng được nâng cao, ngày càng khẳng định được thương hiệu và vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cơ sở chủ động mua bản quyền file ảnh, kết hợp với việc sáng tạo thiết kế mẫu mã, kích thước tranh đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất cũng ngày càng được đầu tư, đổi mới như: Máy cẩu trục tự động, máy cắt kính 2 lớp, lò ép dán công nghệ cao… giúp cơ sở hoạt động hiệu quả. Sản phẩm làm ra được nhiều khách hàng ngoài tỉnh tìm đến đặt mua.

Ông Vũ Xuân Bình – Giám đốc Trung tâm ḱKhuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc cho biết: “Nguồn vốn khuyến công đã một phần giúp cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn giải quyết những khó khăn nhất định về kinh phí, khích lệ động viên các nguồn lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, các tổ chức tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề”.

Có thể thấy, hiệu quả từ các chương trình khuyến công đã mang lại những đổi thay tích cực cho kinh tế địa phương, dần tạo sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người dân và mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội, tạo cơ hội cho người dân tích cực phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nguồn: http://congnghieptieudung.vn/