13/12/2017

Việt Nam thích hợp trở thành nơi sản xuất của các quốc gia phát triển?

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 chưa có ảnh hưởng lớn tới đầu tư FDI vào Việt Nam – nơi mà nền công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

vnthp

Toàn cảnh Diễn đàn VBF.

Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 được biết đến là ứng dụng các đột phá công nghệ thông tin như Vạn vật kết nối (IoT) hay Trí tuệ nhân tạo (AI) để hạn chế các công việc thủ công trong quy trình sản xuất nhằm tạo ra những “nhà máy thông minh”.

Tuy nhiên, ông Tetsu Funayama, đồng Chủ tịch luân phiên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhận định: “Nhiều nhà sản xuất hiện nay mới chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm và vẫn còn nhiều vấn đề về tiêu chuẩn hóa. Hơn nữa, khi xem xét trong khoảng thời gian 3 năm tới, chúng tôi cho rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 chưa có ảnh hưởng lớn tới đầu tư FDI vào Việt Nam – nơi mà nền công nghiệp sử dụng nhiều lao động”.

Mặt khác, ông Tetsu Funayama cũng cho biết, có lẽ cũng không phải quá lời khi cho rằng động lực chính thúc đẩy ý tưởng về Nhà máy sản xuất thông minh tựu chung ở hai điểm: Một là đổi mới mô hình kinh doanh và hai là cắt giảm chi phí nhân công.

Liên quan tới lĩnh vực sản xuất, chế tạo, chế biến của Việt Nam, ông Tetsu Funayama cho rằng, những động lực này sẽ sớm trở thành những chủ đề quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh công nghiệp bằng cách nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh nguồn thu ngoại tệ cũng như mục tiêu tiếp theo là thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Dựa trên thực tiễn đã nêu, ông Tetsu Funayama đã đưa ra một số đề xuất về định hướng của Việt Nam để ứng dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Thông thường, khi vận hành Nhà máy thông minh không cần đến sự tham gia của lao động thủ công để thực hiện các công việc đơn giản thì yếu tố chi phí nhân công sẽ bị loại khỏi chiến lược sản xuất. Do đó, nguyên lý sản xuất tại nơi gần điểm tiêu thụ sẽ hoạt động trên nhiều phương diện, và sau này, nếu xét trên phương diện toàn cầu, các quốc gia và khu vực có khả năng tiêu thụ mạnh mẽ như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu sẽ lại bước lên vũ đài như là những nơi sản xuất đầy năng lực, thay cho các quốc gia đang phát triển tập trung nhiều nhà máy sản xuất như hiện nay. Cùng với động thái này, những lợi thế là nguồn lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay của Việt Nam như nguồn nhân lực chất lượng giá rẻ hay ưu thế về địa lý-địa chính trị có thể mất đi trong tương lai.

Với quan điểm trên, ông Tetsu Funayama cho rằng, để tiếp tục kêu gọi FDI vào Việt Nam, bên cạnh yếu tố về chi phí nhân công và ưu thế về địa lý-địa chính trị, việc quan trọng là phải suy nghĩ thấu đáo để đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi tại sao Việt Nam lại thích hợp để làm nơi sản xuất của các quốc gia phát triển?

Với mong muốn nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là nơi sản xuất thu hút Công nghiệp 4.0 trong tương lại, ông Tetsu Funayama đề xuất, Việt Nam nên xác định hai yếu tố. Một là, Nâng cao sức hấp dẫn với vai trò vừa là nơi sản xuất vừa là nơi tiêu thụ, thay cho nơi sản xuất đơn thuần; Hai là, Tăng cường năng lực tự cung cấp một số nguyên vật liệu bằng cách phát huy sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú để khơi dậy tiềm năng trong vai trò là nhà đầu tư của ngành công nghiệp phụ trợ.

Để thực hiện được 2 yếu tố trên, ông Tetsu Funayama nhấn mạnh vai trò của Chính phủ về chủ trương Việt Nam trong thời gian tới đối với việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng yêu cầu của ngành sản xuất thông minh, và xa hơn nữa là đào tạo những tài năng theo mô hình “Thung lũng Silicon”, những nhân lực mong muốn làm cho thế giới này tốt đẹp hơn bằng công nghệ thông tin, tạo dựng ra những giá trị mới chưa từng có trước đây từ con số 0 tròn trĩnh để thay đổi cách nhìn nhận về xã hội loài người trong tương lai.

Theo DDDN.com.vn