Việt Nam – Đài Loan đẩy mạnh hợp tác ngành công nghiệp hỗ trợ
Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp nhẹ và tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông minh trong thành phố thông minh… đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ Đài Loan có thế mạnh.
Thông tin được ông Vương Văn Uyên, Chủ tịch Tổng hội Công nghiệp Đài Loan – nhấn mạnh trong “Diễn đàn hợp tác công nghiệp Việt Nam – Đài Loan” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Đài Loan tổ chức, diễn ra chiều 2/7, tại TP. Hồ Chí Minh.
Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư Đài Loan
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – cho biết, những năm qua, các doanh nghiệp (DN) Đài Loan chủ yếu tập trung đầu tư vào sản xuất và công nghiệp chế biến, nhất là các ngành dệt may, giày da…. Qua đó, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Đài Loan vào Việt Nam đã đạt hơn 31 tỷ USD, nếu tính cả đầu tư gián tiếp thì giá trị đầu tư đạt gần 50 tỷ USD.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn
Việt Nam đã và đang tích cực hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang tạo ra sức hút đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đài Loan.
Theo Chủ tịch VCCI, với làn sóng đầu tư FDI thế hệ mới, Việt Nam sẽ ưu tiên nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, tiên tiến, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn và liên kết chặt chẽ với DN Việt.
Ông Vương Văn Uyên cho biết thêm, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng. Do đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều DN nước ngoài, trong đó có DN của Đài Loan thời gian qua.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận, số vốn đầu tư của các DN Đài Loan đầu tư vào Việt Nam liên tục tăng trưởng trong các năm qua, điều đó khẳng định Việt Nam có môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn và ngày càng thu hút DN Đài Loan.
Diễn đàn hợp tác công nghiệp Việt Nam – Đài Loan – thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà nghiên cứu
Ưu tiên đầu tư công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ
Ông Ngô Khải Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) – cho biết, diễn đàn năm nay diễn ra 3 phiên thảo luận kỹ thuật và ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) giữa DN Việt Nam – Đài Loan về các lĩnh vực dệt may, công nghiệp nhẹ và tự động hóa, ứng dụng công nghệ trong thành phố thông minh. Đây là các lĩnh vực có cơ hội phát triển tại Việt Nam và được Chính phủ quan tâm và khuyến khích đầu tư. Việt Nam mong muốn DN Đài Loan đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghiệp hỗ trợ cũng như hỗ trợ DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành những chính sách thực tế, để thúc đẩy sự hợp tác phát triển công nghiệp giữa Việt Nam và Đài Loan” – ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh.
Nói về cơ hội hợp tác giữa DN Việt Nam – Đài Loan, ông Vương Văn Uyên – cho hay, thế mạnh của Đài Loan là công nghiệp dệt may, da giày, các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây chính là những lĩnh vực DN Đài Loan mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ký biên bản ghi nhớ hợp tác ngành công nghiệp dệt may giữa Việt Nam – Đài Loan
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Văn Quyền – Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Sáng chế Việt Nam – cho biết, “Diễn đàn hợp tác công nghiệp Việt Nam – Đài Loan” được tổ chức thường niên trong nhiều năm qua và mang lại hiệu quả rất tốt. Đây là cầu nối quan trọng cho DN hai nước và giới nghiên cứu các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt lĩnh vực dệt may, da giày truyền thống, lĩnh vực cơ khí, điện tử và công nghiệp nhẹ nền tảng.
Hiện Đài Loan nắm giữ nhiều công nghệ tiên tiến, có những lĩnh vực dẫn đầu. Do đó, Việt Nam có cơ hội tiếp cận, thu hút, lôi kéo chuyển giao nhiều công nghệ mới thông qua đầu tư, thông qua thương mại và chuyển giao công nghệ.
Về lĩnh vực hợp tác truyền thống, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – cho biết, hợp tác phát triển chuỗi cung ứng dệt may là lĩnh vực được cả DN Việt Nam và Đài Loan đặc biệt quan tâm hiện nay.
“Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Đài Loan với giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu là nguyên liệu sợi, vải. Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong ngành dệt may của Đài Loan” – ông Zhan Zheng Tian, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển dệt may Đài Loan nhấn mạnh. Hiện nhu cầu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam đang gia tăng, đây chính là cơ hội để DN Đài Loan đẩy mạnh đầu tư và liên kết với DN Việt phát triển chuỗi cung ứng.
Theo số liệu thống kê, năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đài Loan đạt 16,3 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2017. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, tăng 22,5%, nhập khẩu đạt 13,2 tỷ USD tăng 3,9% so với năm 2017. Tính đến tháng 5/2019, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đài Loan đạt 7,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD.
Theo báo congthuong.vn
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024