13/08/2018

Ứng xử với mô hình kinh tế nền tảng

Mô hình kinh tế nền tảng (Digital platform economy) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam. Làm thế nào để ứng xử cũng như tạo hành lang pháp lý cho mô hình này phát triển lành mạnh tại Việt Nam là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm tại một hội thảo được tổ chức tại Hà Nội.

mohinhkt

Mô hình kinh tế nền tảng đòi hỏi tư duy ứng xử mới

Theo nhận định của ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM, mô hình kinh tế nền tảng được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của nhiều bên liên quan nhờ vào những lợi ích mà các nền tảng mang lại như: tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra các thị trường mới, cũng như gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình kinh tế nền tảng đã dần bộc lộ một số khiếm khuyết cần đến sự can thiệp của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế với các nền tảng hoạt động xuyên biên giới. Trong bối cảnh đó, dường như chưa có một sự tiếp cận chính sách và ứng xử nhất quán, cũng như đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy định đối với các mô hình kinh tế mới này.

Điều này cũng đang là bài toán với nhiều nền kinh tế tiên tiến trên thế giới bởi theo phân tích của chuyên gia Ngô Vĩnh Bạch Dương (Viện Nhà nước và Pháp luật- Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ứng xử của các quốc gia đối với các dịch vụ mới trên internet còn khác biệt, thậm chí trái ngược nhau, do việc tiếp cận dịch vụ mới trong khuôn khổ WTO còn mơ hồ, chưa hoàn thiện, và phụ thuộc nhiều vào các cuộc đàm phán thương mại cũng như bối cảnh tại từng quốc gia. Trong khi đó tại Việt Nam, chưa có sự tiếp cận nhất quán đối với các mô hình kinh tế mới hình thành từ sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm mô hình kinh tế nền tảng và kinh tế chia sẻ (sharing economy). Mỗi bộ chuyên ngành (ví dụ Bộ GTVT và Bộ VH,TT và DL) có cách nhìn riêng, các bộ tổng hợp (ví dụ Bộ KH&ĐT) chưa có quan điểm mạnh mẽ và rõ ràng. Chính phủ chưa công bố tầm nhìn chính sách dài hạn minh bạch và nhất quán đối với các mô hình kinh tế mới hình thành từ sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm kinh tế nền tảng và kinh tế chia sẻ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho rằng, thực tiễn hội nhập kinh tế của nước ta cho thấy không nên chần chừ trước các ưu việt của những mô hình kinh tế mới bởi nếu chúng ta cứ theo loay hoay với tư duy “nhét” bằng được các thực tế nảy sinh vào các quy định hành chính cũ, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bỏ lỡ cơ hội khởi nghiệp và gia nhập thị trường.

Chia sẻ ý kiến này, chuyên gia kinh tế- PGS.TS. Ngô Trí Long nói, trong xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành, thay vì chỉ trong lĩnh vực vận tải hay giao nhận hàng, thực phẩm, dược phẩm… Nếu tất cả các ngành đều coi một nền tảng thuộc về lĩnh vực của mình thì khi xuất hiện một nền tảng mới sẽ lại phải mất tới 2 – 3 năm nữa để tranh cãi và loay hoay tìm câu trả lời.

Ông Long lấy câu chuyện về Uber và Grab hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm tại Việt Nam theo đó việc coi nền tảng kết nối là dịch vụ vận tải sẽ triệt tiêu chuyên môn hóa, gây ảnh hường tiêu cực tới phát triển nền tảng. Bởi thế mạnh của các đơn vị nền tảng là hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp với trí tuệ nhân tạo để đề xuất kết nối hành khách với phương tiện gần nhất và đề xuất hiệu quả nhất về cước phí. ”Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là sự bất công”, ông Long nhìn nhận. Thêm nữa quy định này cũng sẽ tác động tiêu cực tới các nền tảng trong nước như Vato, Emddi, Gonow (của Viettel), T.Net (của FPT).

Theo Báo Công Thương điện tử