Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) trong lĩnh vực đào tạo nghề, quản trị, nhân lực… nhằm đẩy mạnh quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở cả hai nước, khiến cho các hoạt động giao thương chững lại gây ra những thiệt hại không chỉ cho nền kinh tế toàn cầu nói chung, giữa hai nước Việt – Hàn nói riêng mà còn khiến cho các doanh nghiệp hai nước lâm vào khó khăn và gây ra những hệ lụy vô cùng lớn. Nhằm thể hiện quyết tâm giữ đà và đẩy mạnh quan hệ song phương, IPC1 đã 03 lần chủ động làm việc với ông Kim In – Chol (Mr.Kim) – Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn quản lý KMA VINA (KMA), tập trung thảo luận và thống nhất về các chương trình hành động, cũng như làm rõ hơn những định hướng cho quan hệ song phương trong thời gian tới mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí (trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 23/6/2021 tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui Yong khẳng định Chính phủ Hàn Quốc luôn coi Việt Nam vừa là đối tác hợp tác chiến lược, vừa là đối tác trọng tâm trong “Chính sách hướng Nam mới tăng cường”; sẵn sàng thúc đẩy hợp tác song phương với mong muốn hướng tới xây dựng “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Cũng trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui Yong, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD theo hướng cân bằng, bền vững, hiệu quả, trong đó Hàn Quốc ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, nhất là nông sản, trái cây…; khẳng định Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, nhất là về chuyển đổi số, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo,…) nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng và phát triển của hai nước và hai khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á cũng như các khu vực khác. Củng cố các mặt hợp tác hiện có và mở ra các mặt hợp tác mới, khôi phục các lĩnh vực hợp tác bị gián đoạn trong đại dịch.
Ông Kim In – Chol – Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn quản lý KMA VINA
Thông qua buổi gặp gỡ, đại diện IPC1 có cuộc trao đổi, phỏng vấn với Mr.Kim (Chủ tịch KMA) tại Văn phòng Trung tâm – Trụ sở Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với một số nội dung sau:
PV: Chào ông, để cho bạn đọc cũng như các tổ chức, cá nhân quan tâm tới chương trình hợp tác chiến lược giữa IPC1 và KMA trong thời gian tới nhằm có cái nhìn tổng quan về cơ hội hợp tác giữa hai bên, xin ông có thể giới thiệu sơ lược về KMA, thưa ông ?
Mr.Kim: Cảm ơn ông về câu hỏi trên, tôi rất vui khi được đến và làm việc tại Việt Nam nhằm đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển. Đồng thời, thông qua cuộc trao đổi này, tôi cũng có dịp để chia sẻ rộng hơn tới các cá nhân, tổ chức cùng quan tâm về KMA. Sau đây, tôi xin giới thiệu một số ý chính như sau: KMA là Công ty tập trung phát triển kinh tế, hỗ trợ về công nghiệp và thương mại, có trụ sở tại Việt Nam. KMA là một Công ty, tổ chức ở Hàn Quốc, được thành lập từ năm 1962 với quy mô rộng lớn và bao quát nhiều lĩnh vực như:
– Dịch vụ phát triển điều hành: Đào tạo các CEO liên quan đến điều hành Công ty;
– Đào tạo công: Chương trình đào tạo nhân lực trong Công ty;
– Dịch vụ đào tạo tại chỗ, đến từng cơ quan đào tạo: Đào tạo các doanh nghiệp, quản trị nhân sự trong Công ty;
– Dịch vụ đào tạo toàn cầu: Giúp các Công ty hội nhập và toàn cầu hóa, vươn ra thế giới;
– Thẩm định, đánh giá, tư vấn: Các cách để giải quyết vấn đề trong doanh nghiệp;
– Dịch vụ phát triển nghề nghiệp: Đào tạo về nguồn nhân lực và tiêu chuẩn cạnh tranh quốc gia;
– Giải quyết vấn đề việc làm và tạo ra công việc: Phát triển nguồn nhân lực của các tổ chức công, cung cấp các giải pháp sáng tạo nghề nghiệp, phát triển Công ty;
– Tạo ra các hiệp hội của các CEO trong nhóm để bàn về các hướng phát triển, tạo ra mạng lưới cùng nhau phát triển doanh nghiệp.
* Mục tiêu của KMA: Là trở thành 1 trong những nhà cung cấp kiến thức hàng đầu Châu Á.
* Các hoạt động của KMA: Hoạt động thường xuyên là các CEO cùng nhau trao đổi về công việc, KMA thường xuyên mời những chuyên gia nổi tiếng để phát triển tầm nhìn doanh nghiệp. Ngoài ra, KMA còn tổ chức các hoạt động khác như tài trợ và hỗ trợ các tổ chức về kinh tế, xúc tiến thương mại, du lịch…
* Các giai đoạn phát triển của KMA:
– Từ những năm 1960: Thời kì mới phát triển quản lý doanh nghiệp của Hàn Quốc;
– Từ năm 1960 đến năm 1980: Trải qua sự cạnh tranh thông qua đào tạo và dịch vụ tư vấn;
– Từ năm 1980 đến năm 1990: Đổi mới và cải tiến thông qua dịch vụ;
– Từ năm 1990 đến năm 2000: Là nhà cung cấp kiến thức số 01 của Hàn Quốc.
KMA tập trung vào các chương trình đào tạo nhân lực và quản lý của giám đốc điều hành, chương trình tư vấn dành cho cơ quan điều hành Công ty cho đến khi có thành quả. Các chương trình của KMA bao gồm các khóa đào tạo online về nhiều chuyên đề và chương trình đào tạo quản trị nhà máy thông minh tại Hàn Quốc bao gồm lý thuyết và thực hành.
PV: Cảm ơn ông đã có những chia sẻ rất chi tiết về KMA, trên cơ sở những định hướng mà Chính Phủ hai nước đã nhất trí, cùng với những tiềm năng, thế mạnh mà IPC1 và KMA sẵn có, ông có những nhận định và mong muốn gì về cơ hội hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian tới ?
Mr.Kim: Tiềm năng hợp tác song phương giữa hai nước là rất lớn. Trên cơ sở nền tảng những định hướng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD năm 2023 và 150 tỷ USD năm 2030 (thống nhất của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc ngày 13/12/2021 tại Thủ đô Seoul) theo hướng cân bằng cán cân thương mại hơn và khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam trong khi đưa các doanh nghiệp Việt Nam lên mức cao hơn trong các chuỗi cung ứng và giá trị. Đặc biệt, bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế trong khu vực, các xu hướng công nghệ mới, năng lượng mới và quản lý mới trong thời kỳ hậu COVID-19, cùng nguồn lực và vị thế quốc tế mới của hai nước, đều là những điều kiện tiềm năng giúp mở ra những hướng hợp tác mới giữa hai nước, thể hiện tầm chiến lược trong quan hệ song phương cũng như trong các khuôn khổ liên kết mới đang hình thành trong khu vực.
Trên cơ sở đó đã đặt ra những nền tảng vững chắc, mở ra hướng hợp tác mới giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian tới, đặc biệt là sự kết hợp thông qua kế hoạch giữa IPC1 và KMA dựa trên những nền tảng, tiềm năng và thế mạnh sẵn có giữa hai đơn vị nhằm tăng cường, kết hợp với sự năng động của các chủ thể hai bên sẽ giúp khai thác các tiềm năng để nâng tầm hợp tác chiến lược lên tầm cao mới.
PV: Sau 03 lần gặp gỡ, trao đổi về kế hoạch triển khai trong thời gian tới giữa IPC1 và KMA, ông đã có những dự định và mong muốn gì để triển khai các công việc liên quan mà lãnh đạo hai bên đã đề cập nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp giữa hai nước, thưa ông ?
Mr.Kim: Kỷ niệm 60 năm thành lập (1962 – 2022), KMA đang mơ về “một thế giới rộng lớn hơn được tạo nên từ tri thức”. Để thực hiện ước mơ này, KMA luôn đồng hành cùng những nơi cần sự phát triển và đổi mới trong xã hội, chẳng hạn như giáo dục, việc làm, quản lý, khởi nghiệp, hỗ trợ việc làm cho sinh viên, đào tạo trong và ngoài nước,…
Trong tương lai, KMA hứa hẹn sẽ nỗ lực hết mình để dẫn đầu xã hội công nghiệp và đóng góp vào sự phát triển kinh tế các quốc gia, trong có có các nước, các tổ chức, cá nhân mà KMA đã và đang hợp tác. Đặc biệt, đối với sự hợp tác giữa IPC1 và KMA, chúng tôi luôn coi trọng và xác định đây là sự hợp tác chiến lược và lâu dài nhằm hướng tới lợi ích chung của doanh nghiệp trên cơ sở nền tảng mà IPC1 và KMA đã thỏa thuận.
* Về hợp tác địa phương: Hiện có khoảng gần 40 địa phương hai nước thiết lập quan hệ hợp tác, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội – Thủ đô Seoul; TP. Hồ Chí Minh – TP. Busan; TP. Đà Nẵng – TP. Deagu; TP. Hải Phòng – TP. Incheon, tỉnh Vĩnh Phúc – tỉnh Jungjeongbuk, tỉnh Kiên Giang – tỉnh Jeju, TP. Hải Dương – TP. UiCheongbu (tỉnh Gyeonggi); tỉnh Quảng Nam – TP. Osan (tỉnh Gyeonggi), tỉnh Đồng Nai – tỉnh Gyeongsangnam, tỉnh Khánh Hòa- TP. Ulsan, tỉnh Thái Nguyên – tỉnh Gyeongsangbuk, tỉnh Phú Thọ – TP. Hwaseong (tỉnh Gyeonggi)…v.v.
Thông qua các buổi thỏa thuận, hai bên đã định hướng tới nhiều nội dung quan trọng đã nêu ở trên và sẽ hiện thực hóa kế hoạch, triển khai sớm nhất trong thời gian tới. Tôi mong muốn rằng, trong thời gian tới sẽ cùng IPC1 đẩy mạnh hợp tác, liên kết, trao đổi giữa các tổ chức, cơ quan quản lý, các vùng, các tỉnh, các địa phương và giữa các doanh nghiệp nhằm tạo ra hướng đi mới, mở ra các cơ hội để học hỏi, tìm hiểu và thúc đẩy cơ hội, giao thương giữa hai nước nhằm thỏa mãn, nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc” mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất. Đặc biệt là sự nâng cấp, thay đổi và giúp cho doanh nghiệp hai nước ngày càng phát triển và hội nhập bằng nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
KL: Nhằm đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực như: Chuyển đổi số, đào tạo, công nghiệp, thương mại, kinh tế,… hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua những lợi thế mà hai bên sẵn có, chúng tôi mong rằng trong thời gian tới IPC1 và KMA sớm hiện thực hóa các vấn đề trọng tâm mà lãnh đạo hai bên đã trao đổi, thống nhất, tạo mọi thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hội nhập và phát triển nhằm đem lợi ích tối ưu cho các bên trong thời gian sớm nhất, định hướng phát triển lâu dài và bền vững.
Thực hiện & Ảnh: Xuân Phú
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia