Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2019: Cơ hội gặp gỡ, liên kết cho doanh nghiệp
Ngày 30/5, Công ty Reed Tradex – nhà tổ chức triển lãm hàng đầu Đông Nam Á, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác và công bố “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm Quốc tế Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019)” diễn ra từ ngày 14 – 16/ 8/2019 tại Hà Nội.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam cho biết, Việt Nam đã và đang thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, mở rộng xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường, ký kết trên 90 Hiệp định Thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vươn ra thế giới.
Theo đó, với cương vị là một trong những đơn vị kết nối kinh doanh hàng đầu khu vực thông qua các hội nghị, triển lãm quốc tế, ông Phan Ngân cho hay, Công ty Reed Tradex Việt Nam hợp tác cùng JETRO và Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) mang tổ chức triển lãm công nghiệp hỗ trợ năm 2019 là nhằm mở ra cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ sự liên kết giữa các công ty sản xuất linh kiện, các nhà sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Buổi họp báo công bố thông tin về Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2019
Năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 630 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD, mức đầu tư cao thứ 2 tính đến hiện tại. Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa nhận định, hằng năm JETRO đều tiến hành khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam. Theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1 đến 2 năm tới, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh”. Con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu. Tuy nhiên, một trong số những khó khăn là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp.
Ông Hironobu Kitagawa – Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội
Theo ông Hironobu Kitagawa, hiện tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36.3%. Tuy có tăng hằng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là ngành công nghiệp hỗ trợ phần lớn do doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam. “Nếu nhìn từ góc độ khác, giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Và hơn nữa, có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao”- ông Hironobu Kitagawa cho hay.
Ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục XTTM phát biểu tại lễ công bố triển lãm
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở để phát triển một nền công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững. Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy, và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.
Nhằm thực hiện mục tiêu đó, việc tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản do Cục XTTM phối hợp với JETRO tại Hà Nội thực hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản. Đồng thời, đây là một hoạt động cụ thể triển khai cam kết của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã nêu trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) ký kết vào tháng 12/2008. Hoạt động này tiếp tục cụ thể hóa Thỏa thuận hợp tác được Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch JETRO ký kết trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2017.
“Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8 tại Hà Nội sắp tới sẽ được tổ chức cùng thời gian và địa điểm với Triển lãm Quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam 2019. Tôi tin tưởng rằng chuỗi sự kiện này sẽ là điểm nhấn, tích cực thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”- ông Tài nhấn mạnh.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Reetradex, JETRO và Cục XTTM
Với sự góp mặt của các đơn vị triển lãm đến từ 16 quốc gia cùng hơn 200 công nghệ và máy móc tiên tiến, “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME2019)” sẽ được diễn ra đồng thời từ ngày 14-16/8/2019 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội (Cung Văn hóa Hữu Nghị) dự kiến có sự tham gia của hơn 200 nhà cung cấp đến từ 20 quốc gia và hơn 10.000 nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng cơ khí, giải pháp tự động hóa, và những lĩnh vực liên quan khác tại Việt Nam.
Trước thềm diễn ra các Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản, diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2019 (VME Forum 2019) cũng đã được tổ chức ngày 30/5 nhằm thực hiện mục tiêu thắt chặt mối quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam; đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất linh kiện, chế tạo phụ tùng công nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Thông qua diễn đàn, Công ty Reedtradex, JETRO và Cục XTTM mong muốn sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, yếu tố quan trọng giúp gia tăng sự cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ, mở ra bối cảnh mới để các doanh nghiệp ngày càng tận dụng và phát huy được lợi thế chuyên môn.
Theo Báo congthuong.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH