12/11/2019

Trăn trở bài toán gìn giữ bản sắc gỗ Vân Hà

Gần 400 năm hình thành và phát triển, nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội đã trở thành nghề chính, đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đứng trước dòng chảy cuộc sống hiện đại, nghề gỗ ở Vân Hà cũng phải đối mặt với bài toán phát triển kinh tế mà không làm mai một bản sắc dân tộc.

Cả nước có rất nhiều làng gỗ mỹ nghệ, nhưng gỗ mỹ nghệ thôn Thiết Úng nức tiếng bởi những tác phẩm độc đáo được tạo nên bằng đôi tay tài hoa của nghệ nhân với những nét chạm khắc hài hoà, mềm mại, sinh động. Nhờ vậy, các sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ ở Thiết Úng được tiêu thụ phổ biến tại các tỉnh thành trong nước và được xuất khẩu tới một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Mỹ nghệ Thiết Úng nức tiếng bởi những tác phẩm độc đáo được tạo nên từ đôi tay tài hoa của nghệ nhân

vanha1

Dưới sức ép cạnh tranh của thị trường, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ ở Thiết Úng đòi hỏi càng phải cải thiện mạnh mẽ cả về năng suất và chất lượng để đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

vanha2

Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền luôn trăn trở giữa việc giữ gìn bản sắc nghề và phát triển kinh tế

Hơn 40 năm trong nghề gỗ, là đời thứ 4 trong một gia đình có truyền thống làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền cho biết: Trước sự thay đổi của thị trường, sự cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các làng nghề làm gỗ mà còn giữa những cơ sở sản xuất gỗ trong một làng. Cạnh tranh là yếu tố tất yếu của thời buổi thị trường đòi hỏi phải gia tăng chất lượng sản phẩm, các mẫu mã sản phẩm vì thế mà đa dạng, phong phú hơn, cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đối với nghệ nhân, mỗi một cái đục gỗ…

Một thân gỗ thô mộc…

Đều là tâm huyết, sự say mê, là cái “tâm” của người thợ chế tác

Đối với nghệ nhân, mỗi nhát cắt, nhát đục đều thể hiện sự dứt khoát, phong thái của người chế tác

Nhu cầu của thị trường cao không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế mà nó còn kéo theo rất nhiều thứ mất khác. Trước đây, đến Thiết Úng, xã Vân Hà người ta chỉ nghe thấy âm thanh lách cách của tiếng đục, đẽo. Bây giờ, thay vào đó là âm thanh của những chiếc máy công nghiệp, sản xuất ra những sản phẩm đại trà, vô hồn ngày càng áp đảo thủ công tinh xảo. Các sản phẩm sản xuất bằng máy xuất hiện ngày càng nhiều nhưng lại được khách hàng ưa chuộng do giá thành thấp.

vanha3

vanha4

Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, các sản phẩm ra đời phải nhanh và số lượng lớn, do đó, máy móc sẽ được áp dụng vào thay thế con người ở một số công đoạn nhằm đẩy nhanh tiến độ. Vì vậy, những sản phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao được chế tác thủ công bởi các nghệ nhân không tránh khỏi bị cạnh tranh bởi các sản phẩm được làm bằng máy, sản xuất nhanh, rẻ tiền. Chưa kể đến thế hệ kế cận nghiệp gỗ thủ công mỹ nghệ sẽ ngày càng thưa dần. Đó là điều mà những nghệ nhân “lão làng” như ông Nguyễn Văn Truyền còn trăn trở.

Mỗi nét chạm khắc trên gỗ của nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền đều đạt đến dộ tinh xảo nhất định

vanha5

vanha6

Mỗi sản phẩm của Vân Hà đều là minh chứng cho giá trị tinh hoa truyền đời của quê hương

vanha7

vanha8

vanha9

Thực trạng đó đặt ra cho các gia đình làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở Thiết Úng, Vân Hà bài toán vừa theo xu thế hiện đại, vừa phải giữ gìn tinh hoa của một làng nghề truyền thống. Chính vì thế, trong quá trình đào tạo các lớp kế cận, nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền không chỉ truyền dạy những bí quyết trong nghề, sự say mê cùng những kinh nghiệm dày công vun đúc, mà chữ “Tâm” với nghề luôn được nghệ nhân đặt lên hàng đầu. Các thế hệ sau hài hòa giữa việc giữ gìn bản sắc nghề truyền thống và phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương.

Nguồn: https://congthuong.vn/