28/11/2019

Tiềm năng, thách thức, cơ hội của ngành Dệt may trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 26/11/2019 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) tổ chức Hội thảo về Tiềm năng, thách thức, cơ hội của ngành Dệt may trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 tại thành phố Nam Định. Hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Nam Định, Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; các chuyên gia về lĩnh vực Dệt may; Một số Trường Đại học, Cao đẳng công nghiệp; các cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, … và các cơ quan truyền thông, báo chí.
detmay4 0 1
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Trung tâm 1 phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm 1 bày tỏ. Năm 2019, Cục Công Thương địa phương giao nhiệm vụ Trung tâm 1 triển khai thực hiện đề án KCQG điểm “Hỗ trợ phát triển ngành Dệt may trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2020” với một số nội dung, trong đó có tổ chức Hội thảo về “Tiềm năng, thách thức, cơ hội của ngành Dệt may trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm bàn luận về các giải pháp, vấn đề về Tiềm năng, thách thức, cơ hội của ngành Dệt may trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng; Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về nhu cầu thị trường, về thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay; Định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành dệt may trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đồng thời tạo môi trường cho các cơ sở CNNT vừa và nhỏ trên địa bàn hợp tác, tăng khả năng tiếp cận thị trường, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm tạo nên tính bền vững trong sản xuất.
detmay4 0 2
Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Sở Công Thương Nam Định, Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công  1, chủ trì Hội Thảo
Tại Hội thảo, Tiến sỹ Lưu Thị Tho, Phó Trưởng Khoa CNM&TKTT, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với cương vị là người đã có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, hỗ trợ các doanh nghiệp Dệt may đã có những chia sẻ về thực trạng ở các doanh nghiệp Dệt may tại Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chủ yếu kết hợp lĩnh vực khoa học và công nghệ, với các ứng dụng phổ biến của tự động hóa, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo,…đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành Dệt may. Việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất công nghiệp giúp ngành Dệt may sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu tồn kho,…nhưng cũng đặt nhiều vấn đề về vốn đầu tư cũng như nguồn nhân lực làm chủ công nghệ mới, đặc biệt trong hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có ảnh hưởng sâu sắc đến các nền kinh tế thế giới, trong đó có nền kinh tế Việt Nam và có tác động rất lớn đối với ngành Dệt may. Tham luận này hướng tới đánh giá tiềm năng, thách thức và cơ hội của các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất hàng Dệt may trong giai đoạn cách mạng 4.0.
detmay4 0 3
Tiến sỹ Lưu Thị Tho, Phó Trưởng Khoa CNM&TKTT, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Tiếp lời Tiến sỹ Lưu Thị Tho, Ông Tạ Văn Ninh đại diện Công ty TNHH Tuấn Triều, huyện Hải Hậu đã chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư máy móc thiết bị triển khai giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại doanh nghiệp mình. Theo đó, các công cụ cải tiến như chia sẻ của Tiến sỹ Lưu Thị Tho chính là chìa khóa giúp thúc đẩy tăng năng suất chất lượng trong Công ty mình. Bên cạnh đó, việc không ngừng nâng cao chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực các cấp và thường xuyên đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất là điều vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực như kiểm định chất lượng; cung cấp máy móc thiết bị phục vụ ngành Dệt may; Tư vấn nâng cao năng suất chất lượng đều có những chia sẻ về quy chuẩn chất lượng thế giới; máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại trên thế giới; phương pháp cải tiến nâng cao năng suất mà nhiều nước đang áp dụng;…
Hội thảo còn có sự tham gia phát biểu, trao đổi của ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu HandFirst; ông Doãn Minh Toàn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định; ông Mai Thanh Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Giang; đại diện Công ty TNHH Nam Huy; ông Đặng Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển Cụm Công nghiệp Ninh Bình; ông Nguyễn Văn Tiến đại diện Chi nhánh Việt Thăng Long; Tiến sỹ Nguyễn Gia Tín, nguyên Hiệu Phó Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định; ông Phí Chí Dũng, Giám đốc Công ty Phú Nông; … Các diễn giả đã khẳng định có thể nói, hiện ngành Dệt may Việt Nam đang đứng ở “ngã ba đường”, bởi công nhân giá rẻ giờ đây đã không thể so được với các nước như: Lào, Campuchia, Bangladesh…; Công nghệ lại kém hơn nhiều so với các nước phát triển. Trong bối cảnh này, nếu ngành Dệt may không có chiến lược chuyển đổi phù hợp, đầu tư bài bản thì sẽ không thể duy trì được sự phát triển, đồng thời bị tụt lại phía sau. Các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương và các Trung tâm Khuyến công tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, định hướng và tư vấn các giải pháp để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.
Ghi nhận ý kiến tham luận của các diễn giả và ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp. Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Minh Văn, tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định định hướng trong những năm tới hoạt động khuyến công ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT nâng cao năng lực SXKD, nâng cao năng suất chất lượng; Việc triển khai đề án điểm giai đoạn 2018-2020 cần gắn với nhu cầu thực tế được các cơ sở CNNT chia sẻ trong buổi Hội thảo này; Bên cạnh đó Trung tâm 1 cần nghiên cứu hỗ trợ nhóm ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ nhiều hơn nữa để có thể chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu phụ trợ, giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Đó là yếu tốt then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của các doanh nghiệp Việt Nam.
detmay4 0 4
   Ông Nguyễn Minh Văn – Giám đốc Sở Công Thương Nam Định
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Sở Công Thương, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Trung tâm 1 nhấn mạnh Trung tâm 1 sẽ luôn đồng hành cùng các cơ sở CNNT. Trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các nội dung  của đề án KCQG điểm trong ngành Dệt may, bên cạnh đó Trung tâm 1 sẽ xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ hơn nữa, bám sát nhất với nhu cầu của các cơ sở CNNT sản xuất hàng Dệt may và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành Dệt may để các cơ sở CNNT nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ./.
Tin: Ngọc Sơn – IPC1
Ảnh: Văn Đốc