17/07/2017

Thương hiệu làng nghề: Gian nan phát triển

Một số làng nghề hiện đã đăng ký nhãn hiệu tập thể nhưng chưa khai thác hiệu quả trong quá trình phát triển. Theo các chuyên gia, để tháo gỡ thực trạng này ngoài sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp thì cơ sở sản xuất tại làng nghề phải có ý thức bảo vệ thương hiệu, nói không với hàng giả, hàng nhái và chủ động trong hoạt động tuyên truyền quảng bá.
thln
Tre trúc Xuân Lai đã xây dựng và khai thác được giá trị thương hiệu
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có trên 5.000 làng nghề. Khu vực này đang góp tỷ trọng lớn trong 1,7 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mỗi năm.
Những năm qua, các địa phương đã tạo nhiều cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề phát triển, qua đó tạo hạt nhân cho khu vực kinh tế này. Trong đó, sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu, định vị cho sản phẩm làng nghề là một trong những giải pháp tốt, được nhiều địa phương thực hiện. Thực tế, một số làng nghề đã xây dựng và khai thác được giá trị của thương hiệu trong quá trình phát triển, như: Làng nghề rượu Trương Xá (Hưng Yên); chạm bạc Đồng Xâm và cói Quỳnh Phụ (Thái Bình); tre trúc Xuân Lai (Hà Nội); sản xuất trứng vịt biển Đồng Rui (Quảng Ninh)…
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Kinh Hải- Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt – vẫn còn một số làng nghề mặc dù đã xây dựng nhãn hiệu tập thể nhưng chưa bảo vệ và khai thác hiệu quả. Đơn cử, sản phẩm Tương Bần (Hưng Yên) được bảo hộ nhãn hiệu tập thể năm 2011, tuy nhiên hiện tượng tương kém chất lượng bán dọc quốc lộ 5 vẫn diễn ra thường xuyên. Một số địa phương khác như Bắc Ninh, Hải Dương cũng sản xuất tương và dán nhãn “Tương Bần”. Người tiêu dùng hiện mang tâm lý hoài nghi và không có căn cứ nào xác định tương đúng xuất xứ, chất lượng gây thiệt hại cho làng nghề, ảnh hưởng không tốt tới sự cạnh tranh lành mạnh của sản phẩm trên thị trường.
Tương tự, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội) cũng đã được bảo hộ dưới tên “Lụa Hà Đông”. Tuy nhiên, làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một khi số hộ làm nghề và số máy dệt đã giảm tới 70% so với thời kỳ cao điểm. Một số cá nhân tại làng nghề vì lợi ích trước mắt đã trà trộn hàng kém chất lượng, bán hàng không đúng nguồn gốc gây mất lòng tin với người tiêu dùng.
Xây dựng thương hiệu ngay cả với các doanh nghiệp lớn đã là vấn đề khó bởi đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn lực. Khu vực làng nghề sản xuất hầu hết thủ công, kinh nghiệm quản lý nghèo nàn, nguồn lực hạn chế thì vấn đề xây dựng và khai thác giá trị thương hiệu lại càng khó. Theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thương hiệu làng nghề, không chỉ riêng khu vực làng nghề, các ngành thủ công mỹ nghệ nói chung đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Nguyên do, bên cạnh chất lượng, mẫu mã sản phẩm tốt còn cần chiến lược quảng bá rộng rãi, nhưng đây lại là khoản đầu tư khá lớn, vượt quá sức của doanh nghiệp.
Vì vậy, bên cạnh việc doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ trong việc xác định các dòng sản phẩm đặc trưng, khâu thiết kế, quảng bá trên thị trường quốc tế. Bản thân các nghệ nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tại làng nghề phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng bộ phận nhận diện và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho cơ sở. Cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề nhằm tạo thành mạng lưới sản xuất, kiểm soát chất lượng và bảo đảm đồng bộ cho sản phẩm.
Luật sư Lê Kinh Hải – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt: Mỗi người dân làng nghề tự có ý thức gìn giữ danh tiếng nghề truyền thống. Phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm thương hiệu, sản xuất hàng kém chất lượng, trà trộn sản phẩm giả trong làng nghề.