Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam
Dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) triển khai thực hiện từ tháng 11/2015 đến 10/2019 trên phạm vi toàn quốc.
Mục tiêu tổng quát của Dự án là giảm mức năng lượng tiêu thụ và giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc thúc đẩy sử dụng và vận hành nồi hơi hiệu quả năng lượng (HQNL) trong công nghiệp. Cụ thể: Tổng mức năng lượng tiêu thụ tiết kiệm được là 1.955.304 GJ/năm; Tổng mức phát thải khí nhà kính giảm thiểu được là 183.736 tấn CO2/năm.
Theo thiết kế, Dự án bao gồm ba hợp phần nhằm xóa bỏ các rào cản được nhận dạng để thúc đẩy sản xuất/chế tạo và sử dụng nồi hơi hiệu quả năng lượng tại các doanh nghiệp công nghiệp (DNCN) Việt Nam. Cụ thể như:
Hợp phần 1: Khung chính sách và quy định hỗ trợ hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi công nghiệp;
Hợp phần 2: Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực đối với các cơ quan nhà nước, người sử dụng, nhà cung cấp, sản xuất nồi hơi và các bên có liên quan khác;
Hợp phần 3: Hỗ trợ tài chính và triển khai thực hiện việc sử dụng và sản xuất nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.
Các hoạt động cụ thể thuộc các hợp phần như: Hoàn thiện khung chính sách và các quy định, hướng dẫn về hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi công nghiệp; Xây dựng chương trình chứng nhận vận hành nồi hơi HQNL và cơ sở dữ liệu về nồi hơi công nghiệp; Xây dựng hướng dẫn thực hiện cơ chế tài chính, thuế và vay vốn hỗ trợ thực hiện các dự án cải thiện hiệu suất năng lượng; Tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức và trao đổi, phổ biến thông tin về việc sử dụng, vận hành nồi hơi HQNL cho người sử dụng, chuyên gia và công ty tư vấn năng lượng và nhà cung cấp, sản xuất nồi hơi; Tổ chức các khóa đào tạo về kiến thức đánh giá chi phí theo vòng đời của nồi hơi, kỹ thuật đánh giá hiệu suất nồi hơi, cách thức vận hành cho người sử dụng, chuyên gia tư vấn, các nhà cung cấp, sản xuất nồi hơi và nâng cao năng lực về chế tạo nồi hơi HQNL cho các nhà sản xuất nồi hơi…
Bên cạnh đó, Dự án cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp, sản xuất nồi hơi về xây dựng kế hoạch kinh doanh và chiến lược tiếp thị nồi hơi HQNL; Tổ chức các khoá đào tạo về việc đánh giá dự án đầu tư sử dụng nồi hơi HQNL cho các tổ chức tài chính, ngân hàng; Thực hiện 10 dự án trình diễn về vận hành nồi hơi hiệu quả nhất và 05 dự án trình diễn thay thế nồi hơi cũ bằng nồi hơi mới HQNL; Hỗ trợ việc tiếp cận các nguồn tài chính, khuyến khích tài chính và triển khai thực hiện 100 dự án nhân rộng về vận hành nồi hơi hiệu quả và 30 dự án thay thế nồi cũ bằng nồi hơi mới HQNL.
Các hoạt động của dự án góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cả hai phía người sử dụng, nhà cung cấp trên thị trường nồi hơi HQNL trong nước thông qua các chính sách, quy định về hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi, xây dựng năng lực cho các nhà chế tạo nồi hơi trong nước, người vận hành nồi hơi, các chuyên gia tư vấn, công ty cung cấp dịch vụ năng lượng cũng như các nhà cung cấp, phân phối nồi hơi và hỗ trợ các bên tiếp cận các hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án đầu tư nồi hơi HQNL.
Các ngành mục tiêu của Dự án là: Giấy và bột giấy; Chế biến thực phẩm và đồ uống; Dệt may; Sản xuất hóa chất và phân bón; Chế biến cao su; Chế biến gỗ; Dược phẩm; Lắp ráp máy móc; Sản xuất sản phẩm từ kim loại.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương)
Theo chia sẻ của Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp khi tham gia Dự án được nhận các lợi ích như: Được đào tạo miễn phí về kỹ thuật đánh giá hiệu suất nồi hơi, vận hành nồi hơi hiệu quả và thực hành chế tạo nồi hơi HQNL; Được nhận hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia quốc tế và quốc gia để thực hiện các dự án sử dụng nồi hơi và chế tạo nồi hơi HQNL; Được hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính và khuyến khích tài chính để thực hiện các dự án đầu tư sử dụng và chế tạo nồi hơi HQNL; Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, từ đó giảm chi phí năng lượng, giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh.
Theo đánh giá của đại diện Ban quản lý dự án, các hoạt động của Dự án đã được thực hiện theo đúng tiến độ kế hoạch đặt ra trong Văn kiện dự án đã ký giữa Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc.
Sau ba năm triển khai thực hiện, vượt qua nhiều khó khăn giai đoạn đầu, tính đến thời điểm 30/9/2018, Dự án đã đạt được các kết quả như sau:
– Hai tiêu chuẩn quốc gia về nồi hơi công nghiệp đã được sửa đổi, lấy ý kiến các chuyên gia. Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện các thủ tục để ban hành hai tiêu chuẩn này.;
– Hệ thống cơ sở dữ liệu về nồi hơi công nghiệp đã được xây dựng;
– Thông tin về các hoạt động của dự án và các hướng dẫn kỹ thuật về vận hành tối ưu nồi hơi và hệ thống hơi công nghiệp đã được phổ biến tới các đối tác liên quan và doanh nghiệp công nghiệp thông qua việc tổ chức 3 hội thảo nâng cao nhận thức tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, việc vận hành website dự án từ tháng 8/2016 và tờ rơi giới thiệu dự án;
– Năng lực và kỹ năng về đánh giá hiệu suất, vận hành, chế tạo nồi hơi HQNL của các đối tác liên quan đã được tăng cường thông qua đào tạo với các kết quả như: 80 chuyên gia đã được đào tạo về đánh giá hiệu suất nồi hơi; 139 cán bộ quản lý năng lượng, quản lý phân xưởng nồi hơi từ 81 DNCN đã được đào tạo về đánh giá hiệu suất nồi hơi; 238 cán bộ vận hành nồi hơi đến từ 121 DNCN đã được đào tạo về vận hành nồi hơi hiệu quả năng lượng; 49 cán bộ thiết kế, kinh doanh nồi hơi đến từ 30 công ty chế tạo nồi hơi đã được đào tạo về các giải pháp cải thiện hiệu suất nồi hơi; và cán bộ của 6 doanh nghiệp được đào tạo về sử dụng phần mềm hỗ trợ thiết kế nồi hơi HQNL.
– 24 dự án về cải thiện hiệu suất nồi hơi và 10 dự án thay thế nồi hơi cũ bằng nồi hơi HQNL đã được thực hiện; 02 dự án thay thế nồi hơi đang được thực hiện; 01 dự án thay thế nồi hơi đã được lựa chọn và 52 báo cáo đánh giá hiệu suất nồi hơi và kiến nghị các giải pháp cải thiện hiệu suất nồi hơi để TKNL đã được thực hiện.
Trong thời gian từ nay đến lúc kết thúc, Ban quản lý dự án cần nỗ lực phấn đấu để hoàn thành những phần công việc còn lại với mục tiêu là hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong Văn kiện dự án. Cụ thể như sau:- Xây
dựng Bản hướng dẫn tiếp cận các hỗ trợ tài chính, nguồn vốn vay và ưu đãi thuế để thực hiện các dự án cải thiện hiệu suất nồi hơi công nghiệp;
– Tiếp tục các hoạt động nâng cao nhận thức, phổ biến thông tin, kiến thức kỹ thuật về sử dụng và vận hành nồi hơi HQNL cho các đối tượng liên quan thông qua website dự án, tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, tổ chức các buổi tọa đàm trên các kênh truyền thông…;
– Tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật đánh giá hiệu suất nồi hơi, phân tích chi phí vòng đời, đào tạo về sử dụng và vận hành nồi hơi HQNL cho cán bộ kỹ thuật, vận hành nồi hơi tại các doanh nghiệp;
– Tổ chức đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp, sản xuất nồi hơi về xây dựng kế hoạch kinh doanh và chiến lược tiếp thị nồi hơi HQNL;
– Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện 70 dự án cải thiện hiệu suất nồi hơi và vận hành nồi hơi hiệu quả nhất;
– Hỗ trợ tư vấn thực hiện 20 dự án thay thế nồi hơi cũ bằng nồi hơi HQNL được thực hiện.
Theo moit.gov.vn
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia