25/11/2017

Thiết bị, công nghệ mới giúp tăng cạnh tranh của ngành dệt may

Triển lãm quốc tế về ngành công nghiệp dệt may và nguyên phụ liệu lần thứ 17 – (VTG 2017), diễn ra từ ngày 22 – 25/11/2017, được giới chuyên gia ngành dệt may tại Việt Nam đánh giá cao bởi đem đến cho không chỉ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mà cả các doanh nghiệp (DN) thương mại những cơ hội kết nối, giao thương thông qua triển lãm này.

tbcn1

Máy ép hiệu Stahls của Công ty Nantex trưng bày tại VTG 2017

Theo ông Nguyễn Phương Nam – Giám đốc điều hành, đồng sáng lập Công ty Nantex – nhà phân phối độc quyền cho 4 hãng nước ngoài tại Việt Nam cho biết, thị trường dệt may Việt Nam ngày càng phát triển nên DN Việt Nam rất quan tâm đến việc đầu tư máy móc nhất là máy cao cấp để sản xuất, xuất khẩu. Do đó công ty đem đến triển lãm này máy thêu hiệu ZSK, máy in tự động Walz của Đức, máy ép trong in ấn hiệu Stahls của Mỹ, máy in lụa Eptanova của Pháp. Điểm nổi bật của các loại máy này là trong quá trình in, thêu, trên vải có độ chính xác rất cao, hiệu suất tốt ổn định và cho ra sản phẩm chất lượng hoàn hảo.

Những thiết bị Nantex đem tới triển lãm thuộc những công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất máy in lụa và máy ép, ông Phương Nam cho biết thêm.

Hiện, mức tăng trưởng của ngành may mặc Việt Nam đang tăng dần qua mỗi năm nên việc đầu tư máy móc mới là điều thực sự cần thiết với DN. Đó cũng là lý do các sản phẩm của máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành dệt may đang được các nhà sản xuất quan tâm, chỉ riêng buổi sáng khai mạc Nantex đã chốt được 5 hợp đồng và bán được 2 máy thêu, 3 máy ép. Trong 10 tháng đầu năm công ty đã bán được hơn 60 máy, tăng hơn 100% so với cả năm 2016. Điều này có được một phần do Công ty Nantex tham gia các triển lãm chuyên ngành dệt may như VTG. Qua triển lãm, công ty đã tiếp cận và mở rộng đối tượng khách hàng; đồng thời tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận với máy mới (cụ thể là với những DN chưa có khả năng về tài chính thì chỉ cần trả trước 20% là được đem máy về sử dụng. Số còn lại sẽ trả góp lãi suất 0% trong vòng 18 tháng).

Dưới góc độ nghiên cứu, ông Nguyễn Mạnh – Giám đốc Công ty MaiKa Tech Co.,Ltd – nhận xét, tham quan triển lãm VTG 2017, nhiều DN Việt Nam đến triển lãm để tìm kiếm các sản phẩm máy móc mới, tiên tiến trên thế giới, qua đó xem xét sản phẩm nào phù hợp với mình và tiến hành đầu tư. Nắm bắt được nhu cầu đó, Công ty MaiKa đem đến triển lãm cung cấp tất cả các giải pháp cho các công ty may mặc, đưa công nghệ vào sản xuất giảm sức lao động của công nhân những giải pháp là phòng kỹ thuật về các công nghệ từ khâu thiết kế mẫu, cho đến khâu nhảy sai nhảy cỡ, khâu giáp sơ đồ, khâu tính định mức sao cho tiết kiệm nhất.

tbcn2

Máy nhổi lông vũ của công ty MaiKa tại triển lãm 2017

Song song đó, MaiKa đem một số máy móc thiết bị về phần cứng như chuyển tải dữ liệu từ máy tính sang thực tế như: Máy in sơ đồ để in ra bản vẽ thiết kế đặt lên vải và cắt theo, máy cắt dập bìa cứng in thông tin và cắt dập bìa cứng ra để dưới chuyền sang dấu vị trí cần thiết, máy làm khuôn giữa cho máy may lập trình chạy.

Ưu điểm của những máy này là không cần công nhân bởi đây là công nghệ 4G do Công ty MaiKa nghiên cứu và phát triển từ phần mềm cho đến thiết bị máy và phần cứng. Tất cả được công ty chú trọng về chất lượng linh kiện, sàng lọc từ Nhật, do đó doanh nghiệp chỉ cần cài đặt thông số trên máy tự động hoàn toàn làm, giúp tiết kiệm nhân công.

“Khách hàng của MaiKa là Công ty Han so Han sen (Hàn quốc) Protrade, Công ty May Sài Gòn, Mê Kông, Nhà Bè, Việt Tiến…”, ông Mạnh cho biết thêm.

Tại VTG 2017, DN Việt Nam sẽ được tiếp cận những máy móc công nghệ mới, hiện đại nhất để phục vụ ngày sản xuất dệt may; giúp họ có lợi thế và lợi nhuận cạnh tranh trong xuất khẩu.

Theo BaoCongThuong.com.vn