Thay đổi tư duy – Đa dạng hóa sản phẩm hàng nông sản để nâng cao sức cạnh tranh
Để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và tạo dựng thương hiệu trên thị trường hàng nông sản, thời gian qua, Ban Lãnh đạo Công ty TNHH thực phẩm F&G Việt Nam (Công ty F&G Food)đã không ngừng đổi mới phương thức quản lý, tổ chức sản xuất, hoạt động kinh doanh, xây dựng uy tín, khẳng định thương hiệu trên thị trường, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Nhân dịp chuyến công tác tại Hải Dương, cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm Khuyến công 1) đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với bà Nguyễn Thị Quý Linh – Giám đốc Công ty F&G Food – một người lãnh đạo tâm huyết để phát triển hàng nông sản xuất khẩu với các bạn hàng trong và ngoài nước.
Dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt chuẩn EU, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng trong và ngoài nước
Xin chào Bà! Mỗi doanh nghiệp khi mới thành lập đều trải qua những bước thăng trầm để phát triển, với Công ty mình thì sao thưa Bà?
GĐ Nguyễn Thị Quý Linh: Công ty TNHH thực phẩm F&G Việt Nam được thành lập năm 2013, với lĩnh vực sản xuất chính là chế biến và bảo quản rau quả (các sản phẩm chính là các loại củ, quả đóng hộp như: Ngô ngọt, đậu hà lan, dứa, ớt, đậu xanh, …). Khi khởi nghiệp, bài toán đặt ra là với nguồn lực ít ỏi phải làm sao để làm ra được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, quan trọng hơn là được khách hàng biết đến, tin tưởng và sử dụng. Để bước qua những khó khăn, Công ty chúng tôi đã thực hiện ba giải pháp chính gồm: Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới sáng tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới, nâng cao quản trị nguồn nhân lực; hợp lý hóa quá trình sản xuất. Đến nay các sản phẩm của Công ty F&G Food đang được xuất khẩu đi các thị trường chính với các đối tác lớn: Dongwon, Lotte, SunnyWel, Promo, Vladex, Samsung, Blue Chips, Linfox, Araco, Diapason, Kamer, Rapco, Farm Trade, Alfresco, Domino, Fine Products, Shinsegae, Wellbeing, … Đây là thành quả của chiến lược “đưa nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới”, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chế biến nông sản giúp Công ty F&G Food trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng nông sản xuất khẩu không chỉ ở thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Và để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của bạn hàng thế giới, Công ty F&G Việt Nam đã áp dụng các chứng chỉ vận hành: ISO, HACCP, FSSC, HALAL, FDA, IFS để cải tiến hệ thống chất lượng, tuân thủ đầy đủ các quy định của các tổ chức đánh giá trên, tạo ra giá trị tốt nhất cho khách hàng.
Là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến hàng nông sản thì nguyên liệu đầu vào rất quan trọng vì nó liên quan tới truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Bà có thể chia sẻ đôi điều về việc kiểm soát nguồn nguyên liệu tại Công ty được không?
GĐ Nguyễn Thị Quý Linh: Chúng tôi luôn chú trọng kiểm soát chất lượng đầu vào của sản phẩm bằng việc kết hợp chặt chẽ với người nông dân và hướng dẫn, giám sát từ khâu giống, kỹ thuật canh tác và quy trình chăm sóc, thu hoạch để có nguồn nguyên liệu sạch, xanh, an toàn, nguyên liệu đầu vào (ngô, dứa, vải, đậu, ớt…) được trồng theo chuẩn hữu cơ tại các vùng nguyên liệu lớn như Ninh Bình, Lào Cai, Bắc Giang, Hưng Yên, …. Ngay từ những sản phẩm đầu tiên của Công ty F&G Food ra đời, chúng tôi đều trung thành tuyệt đối với nguyên tắc tận dụng, nâng niu những dưỡng chất tự nhiên trong từng sản phẩm của mình. Các sản phẩm của Công ty F&G Food đã khẳng định được thương hiệu của mình với tiêu chí một sản phẩm sạch, xanh, dinh dưỡng và tiện dụng, không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn trở thành sản phẩm chiến lược với nhiều đối tác quốc tế.
Nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao đòi hỏi các đơn vị sản xuất luôn tạo ra những sản phẩm mới chất lượng. Công ty mình đã có kế hoạch và định hướng gì thưa Bà!
GĐ Nguyễn Thị Quý Linh: Sản phẩm xuất khẩu của Công ty F&G Food ngày càng mở rộng với hàng chục mặt hàng, như: nước dứa, dưa chuột bao tử dầm dấm, ngô ngọt, dứa, vải, ớt, … đóng hộp đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần giảm khó khăn cho vấn đề đầu ra của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, khi sự cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa ngày càng lớn, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, đòi hỏi Công ty phải nỗ lực, đa dạng nhiều loại mặt hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
* Kế hoạch, định hướng phát triển của Công ty:
Chiến lược của F&G Food dựa trên năm trụ cột. Việc thực hiện các mục tiêu cho từng trụ cột chiến lược này phải đảm bảo triển vọng tăng trưởng bền vững và tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan:
- Xây dựng nhóm thức ăn dựa trên sự đa dạng.
- Tập trung vào các giải pháp bữa ăn giá trị gia tăng.
- Xây dựng danh mục các thương hiệu dẫn đầu thị trường.
- Tạo quan hệ đối tác chiến lược với các bên liên quan hàng đầu trong ngành.
- Tạo ra sự xuất sắc thông qua việc tiếp tục đầu tư vào các nhà máy hiện đại.
* Quản trị
F&G Food cam kết tuân thủ các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả và áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất trong hoạt động kinh doanh của mình, nhận ra sự cần thiết phải tiến hành các công việc một cách liêm chính và phù hợp với các thông lệ chung được chấp nhận của công ty.
Đội ngũ cán bộ kinh doanh của Công ty F&G Food thường xuyên được cử đi tham dự các hội thảo, hội chợ trong và ngoài nước, vừa để giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu thị trường, vừa học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh. Nét mới trong công tác cán bộ của Công ty F&G Food thời gian qua là mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ. Đây chính là nguồn nhân sự tiềm năng giúp phát triển công ty đi lên trong thời kỳ hội nhập.
Trong sản xuất ngoài nguồn nguyên liệu đầu vào; máy móc thiết bị tiên tiến, quy trình sản xuất chuẩn, theo Bà để Công ty phát triển hơn nữa, điều kiện cần và đủ những yếu tố gì ?
GĐ Nguyễn Thị Quý Linh: Đổi mới công tác quản lý, tăng cường tìm kiếm các đối tác, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả; quan tâm, chăm lo bảo đảm đời sống người lao động, … là những yếu tố quyết định đến sự thành công của Công ty, ngoài mục tiêu cạnh tranh với các doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, muốn nâng cao chất lượng nông sản phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi; áp dụng các quy trình sản xuất tốt, đạt chứng nhận theo yêu cầu của thị trường và thực hành vệ sinh tốt trong quá trình thu hoạch, đóng gói sản phẩm. Thu mua, chế biến phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết chặt chẽ với nông dân để đảm bảo nguồn cung và giám sát việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó cần phải thay đổi tư duy “bán thứ mình có” sang “bán thứ thị trường cần” bằng cách chủ động nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu; tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao để nâng cao biên độ lợi nhuận và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Công ty.
Có thể nói, nhờ đầu tư cho công nghiệp chế biến đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bước phát triển mới này không chỉ mở ra tín hiệu tích cực trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho từng sản phẩm nông sản hàng hóa mà còn giúp doanh nghiệp có nhận thức đúng hơn trong việc định hướng phát triển sản phẩm. Ngoài chỉ tiêu chất lượng thì đây là những điều kiện đủ để nâng tầm nông sản trên thị trường.
Thực hiện: Kim Thanh
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024