25/05/2022

Thanh Hoá: Vai trò Khuyến công trong phát huy thế mạnh và mở rộng thị trường

Thông qua các nguồn lực được huy động, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa (TTKC) đã hỗ trợ các cơ sở đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; tập huấn nâng cao nhận thức, tay nghề, tác phong công nghiệp cho lao động nông thôn; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp (TTCN)…

Là đơn vị nhiều năm đồng hành cùng các cơ sở, doanh nghiệp làm nghề TTCN, TTKC luôn nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của các ngành nghề TTCN. Những năm qua, TTKC đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn của khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, góp phần giúp ngành nghề TTCN của tỉnh phát huy được thế mạnh và mở rộng thị trường.

Hiện nay, Thanh Hoá có khoảng 132 làng nghề với 36 nghề TTCN đang hoạt động. Trong đó có 2 nhóm làng nghề hoạt động hiệu quả, gồm: Nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và nhóm làng nghề sản xuất TTCN. Nghề và làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp những năm qua có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh. Kết quả này có được nhờ sự năng động, linh hoạt của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN, đồng thời với đó là sự hỗ trợ kịp thời từ chương trình khuyến công của tỉnh.

THKCdong1

Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làm từ cói Nga Sơn

Thông qua các nguồn lực được huy động, TTKC đã hỗ trợ các cơ sở đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; tập huấn nâng cao nhận thức, tay nghề, tác phong công nghiệp cho lao động nông thôn; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm TTCN. Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, việc hỗ trợ sản xuất đã giúp các doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm thiểu tiêu tốn điện năng, giúp đơn vị sản xuất nâng cao doanh thu.

Nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp phát triển ngành nghề TTCN. Đơn cử như huyện Nga Sơn đã thực hiện các nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; chú trọng đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống theo chiều sâu gắn với việc xây dựng thương hiệu. Nhờ đó, huyện đã khôi phục, duy trì phát triển ổn định 23 làng nghề TTCN đã được tỉnh công nhận, trong đó có 20 làng nghề chiếu cói. Toàn huyện hiện có 8/11 doanh nghiệp duy trì phát triển ổn định nghề sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ cói và có khoảng 7.000 hộ dân trên địa bàn tham gia sản xuất TTCN.

Việc triển khai hiệu quả công tác khuyến công tại địa phương đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các cơ sở CNNT, nhất là ở thời điểm kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay. Sự hỗ trợ kinh phí khuyến công tuy còn khiêm tốn, song chính sự quan tâm, đồng hành của cơ chế chính sách Nhà nước đã tạo động lực giúp cho các cơ sở CNNT thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một số sản phẩm của các doanh nghiệp đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường xuất khẩu tại các nước Mỹ, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc…

Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc TTKC Thanh Hóa cho biết: “Nhìn chung, ngành nghề được hỗ trợ kinh phí khuyến công đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, nên đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động trên địa bàn nông thôn. Điều đó cũng phù hợp với phương châm “ly nông không ly hương”, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn của tỉnh”.

TTKC tỉnh cũng đặc biệt chú trọng hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ, máy móc kỹ thuật. Trước đây, hầu hết cơ sở sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là làm thủ công, sử dụng máy móc công nghệ cũ, bán tự động, khiến cho năng suất lao động thấp. Đến nay, hầu hết các làng nghề đang dần “thay da đổi thịt” nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Điều đó góp phần giúp các cơ sở CNNT nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí sản xuất, đáp ứng được những đơn đặt hàng số lượng lớn, cải thiện môi trường sản xuất, bảo đảm tính thẩm mỹ và độ tinh xảo của sản phẩm thủ công truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân…

Nguồn: https://langngheviet.com.vn/