Thanh Hóa: Kết hợp khuyến công và xúc tiến thương mại
Địa hình rộng, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phân tán, nguồn nhân lực thiếu khiến Thanh Hóa gặp nhiều trở ngại trong triển khai công tác khuyến công.
Hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất chế biến lâm sản
Hiện ngoài lực lượng cán bộ, nhân viên của Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh, Thanh Hóa chưa có khuyến công viên cấp huyện, xã và cộng tác viên khuyến công. Vì vậy, công tác khuyến công tại các huyện, xã trên địa bàn tỉnh vẫn trông chờ vào đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm tại Phòng Kinh tế – Hạ tầng các huyện. Năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định phê duyệt thành lập 2 chi nhánh khuyến công cấp huyện, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được triển khai do khó khăn về biên chế.
Thiếu nhân lực khiến công tác khuyến công của Thanh Hóa gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt,với diện tích lớn, địa hình trải dài từ miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, đi lại khó khăn, việc tìm kiếm và tiếp cận đối tượng thụ hưởng rất hạn chế. Chưa kể, các cơ sở CNNT tuy nhiều về số lượng nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, năng lực tiếp cận thông tin thị trường, nguồn vốn rất hạn chế khiến sản phẩm tạo ra chỉ ở mức thô, giá trị không cao.
Cùng đó, một số quy định trong chính sách khuyến công chưa phù hợp cũng gây không ít trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện các đề án. Cụ thể, đối với nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị vào sản xuất, theo quy định, trong quá trình lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch cho năm sau, phải đánh giá cụ thể những đặc điểm vượt trội của thiết bị cần hỗ trợ, tuy nhiên, tại thời điểm thẩm định cơ sở mới xây dựng kế hoạch chưa mua được máy móc, vì vậy chỉ đánh giá về mặt lý thuyết dựa trên dự án đầu tư hoặc catalogue do đơn vị trình, tính chính xác không cao. Ngoài ra, nội dung bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, nhiều năm qua chưa triển khai được do cấp huyện thiếu cán bộ chuyên trách để làm cầu nối triển khai thực hiện.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, Sở Công Thương Thanh Hóa đã đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, để có thêm động lực cho cán bộ kiêm nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ, trung tâm linh hoạt sử dụng 3-4% chi phí quản lý đề án để hỗ trợ cho các cán bộ này. Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, nhất là trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn; phương pháp tiếp cận, xây dựng đề án và tổ chức triển khai thực hiện.
Trung tâm cũng tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp, marketing cho lãnh đạo, cán bộ quản lý của các cơ sở CNNT nhằm hỗ trợ điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị được tốt hơn. Triển khai các đề án điểm có thời gian thực hiện từ 3-5 năm, giúp nhiều cơ sở cùng thực hiện và hưởng lợi, khai thác sâu thế mạnh của địa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác đầu ra cho sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ trong và ngoài nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa đã hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến cho 6 cơ sở chế biến lâm sản và 14 cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp khác.
Theo Báo Công Thương điện tử
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024