26/10/2020

Thái Nguyên: Khuyến công góp phần phát triển hạ tầng cụm công nghiệp

Thực hiện Nghị Định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định về hành lang pháp lý các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp (CCN) tại địa phương, những năm qua, hoạt động Khuyến công tỉnh Thái Nguyên đã tập trung dành nguồn vốn hỗ trợ cho việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng CCN. Do vậy, hạ tầng CCN tại Thái Nguyên đang từng bước được hoàn thiện, hệ thống giao thông thuận lợi đã thu hút nhiều nhà đầu tư vào sản xuất, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH.

thainguyencumcn

Toàn tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch 06 khu công nghiệp hoàn chỉnh và 35 cụm công nghiệp

Được coi là trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc khi giáp ranh với Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc, do vậy, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế. Những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm của tỉnh luôn đạt trên 11% và cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ “nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ” sang “công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp”. Đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch 06 khu công nghiệp hoàn chỉnh và 35 CCN, trong đó đã có 23 CCN được thành lập với tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bình quân ước đạt trên 51%.  Đặc biệt, với tốc độ công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng, Thái Nguyên đã và đang khẳng định vị thế của mình khi đứng ở vị trí 12/63 tỉnh, thành phố về chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều này đã tạo dựng niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư đến với địa phương.

Để có được những kết quả ấn tượng đó cũng là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công) khi đã tập trung dành nguồn vốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết và đầu tư vào CCN. Nổi bật, trong năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã hỗ trợ trên 450 triệu đồng cho Công ty TNHH Bê tông Xây dựng Việt Cường (ngã 3 Khuôn Ngàn, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ) để thực hiện đề án lập quy hoạch chi tiết, cũng như đầu tư, xây dựng hoàn thiện hạ tầng CCN Bảo Lý – Xuân Phương, huyện Phú Bình.

Ông Dương Đình Quyết – Trưởng phòng Khuyến công (Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên) nhận định: Trước đây, công tác thu hút đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng ở các CCN trên địa bàn huyện Phú Bình gặp phải nhiều khó khăn vì thiếu vốn, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Tuy nhiên, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công, Công ty TNHH Bê tông Xây dựng Việt Cường đã mạnh dạn đầu tư thêm gần 1,1 tỷ đồng để tiến hành lập quy hoạch chi tiết và hướng tới đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Bảo Lý – Xuân Phương. Vị trí quy hoạch xây dựng CCN này thuộc địa phận xóm Núi (xã Xuân Phương), xóm Đò, xã Nga My và xóm Mai Sơn xã Kha Sơn (huyện Phú Bình) với tổng diện tích quy hoạch 27 ha. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất sạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đi vào hoạt động, mở rộng sản xuất; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tích cực, qua đó góp phần quan trọng vào quá trình CNH – HĐH công nghiệp nông thôn tỉnh nhà.

thainguyencumcn2

 Tỷ lệ bình quân lấp đầy mặt bằng tại các CCN trên địa bàn ước đạt 51%

Đánh giá về tính hiệu quả của đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên chia sẻ thêm: Đề án khuyến công quốc gia “Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Bảo Lý – Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên” sau khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế và xã hội. Khi CCN đi vào hoạt động sẽ làm tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp – xây dựng trong cơ cấu GRDP của huyện Phú Bình nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, gắn với phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn; Tạo ra nhiều việc làm mới và tăng thu nhập cho người lao động; Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, khi quy hoạch chi tiết CCN Bảo Lý – Xuân Phương được phê duyệt sẽ là căn cứ để xây dựng hạ tầng CCN, tạo ra quỹ đất công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp có đủ điều kiện về năng lực, kỹ thuật và tài chính tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường…

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển hơn nữa các CCN trên địa bàn tỉnh, cũng như khắc phục những khó khăn trong công tác kêu gọi đầu tư mặt bằng, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên kiến nghị với Sở Công Thương và UBND tỉnh cần đẩy mạnh sự hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương; UBND tỉnh tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, cũng như khẩn trương giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Công Thương từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng một số CCN có tiềm năng phát triển. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển hạ tầng các CCN; Rà soát và ban hành danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong từng thời kỳ; Thực hiện chính sách đãi ngộ cho những tổ chức, cá nhân tìm được dự án và thu hút được vốn đầu tư vào CCN.

Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/