22/07/2021

Thái Nguyên: Hoạt động khuyến công đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn

Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công) luôn làm tốt vai trò thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn phát triển. Nổi bật là Trung tâm đã chủ động, tích cực tham mưu và thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực như:Ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; Tư vấn phát triển công nghiệp; Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp…

thainguyenkc1

Các sản phẩm do Công ty CP NTEA Thái Nguyên sản xuất đang được người tiêu dùng đón nhận

Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19, khiến cho nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng chậm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ nhiều năm nhưng với tinh thần chủ động và thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên vừa triển khai phòng chống dịch chặt chẽ, vừa chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn đỉnh xã hội. Do vậy, đến hết năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 4,24% so với năm trước đó và cao hơn mức tăng trưởng 2,91% của cả nước. Đóng góp vào những thành quả chung ấy không thể không nhắc đến những nỗ lực không ngừng và quyết tâm mạnh mẽ của ngành Công Thương Thái Nguyên nói chung và Trung tâm Khuyến công nói riêng. Bởi trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động ngưng trệ thì Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã nhạy bén, chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị, thành phố tập trung triển khai hỗ trợ nhiều mô hình, đề án cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Điển hình như đối với Công ty Cổ phần NTEA Thái Nguyên (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ), Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã phối hợp với Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đồng Hỷ hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020 cho Công ty để đầu tư, mua sắm và lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống dây chuyền sản xuất chế biến bột trà Matcha với công suất 1000 lít/giờ. Cụ thể, Công ty đã mua sắm 01 nồi chiết xuất có thể tích 1.000 lít; 01 thiết bị lọc; 01 thiết bị bơm với lưu lượng 120 lít/phút; 01 bình chứa trung gian và nồi cô chân không 800 lít; 01 nồi hơi đốt dầu 300kg/h; 01 máy phun sấy ly tâm tốc độ cao LPG 10Y.

Ông Lê Quang Quyết – Giám đốc Công ty CP NTEA Thái Nguyên cho biết, khi thành lập vào cuối năm 2017, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Không những thế, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Công ty đã tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên khi hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất chế biến bột trà Matcha. Từ đó, hoạt động sản xuất của Công ty đạt hiệu quả cao hơn, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương với thu nhập bình quân đạt 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Sau khi ứng dụng hệ thống máy móc mới, kết quả cho thấy quy trình sản xuất của hệ thống có tính lưu động cao. Mức độ hòa tan và tinh khiết của sản phẩm làm ra đạt chuẩn. Ngoài ra, sử dụng máy sấy bơm nhiệt đã cho thấy chất lượng của sản phẩm làm ra được sấy khô tốt hơn, màu sắc đẹp hơn, hương vị và chất lượng dinh dưỡng được bảo toàn. Hiện các sản phẩm do Công ty sản xuất đang được người tiêu dùng đón nhận.

thainguyenkc2

Máy cưa bàn trượt được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ cho hộ kinh doanh Phạm Văn Trung

Nhớ lại thời điểm được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ, ông Phạm Văn Trung – Chủ hộ kinh doanh sản xuất đồ gỗ tại xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, hồ hởi chia sẻ: “Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã hỗ trợ chúng tôi gần 185 triệu đồng để mua mới 01 máy dán cạnh gỗ (Model TZ803-II)  và 01 máy cưa bàn trượt để sản xuất và gia công đồ gỗ. Từ khi sử dụng hệ thống máy móc mới đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho gia đình với năng suất lao động được nâng cao, đem lại lợi nhuận hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 07 lao động với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng”.

Cũng là một trong những đơn vị được thụ hưởng các ưu đãi từ chính sách khuyến công, bà Nguyễn Thị Dung – Chủ hộ kinh doanh sản xuất đồ gỗ (xã Nam Tiến, thị xã Phổ Yên) cho biết: Hộ kinh doanh sản xuất đồ gỗ chúng tôi được thành lập cuối năm 2003 và đăng ký thay đổi kinh doanh lần 01 ngày 16/11/2018 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giường tủ và bàn ghế… Với số vốn ban đầu còn hạn chế nên hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất của chúng tôi vẫn còn lạc hậu. Nhưng trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nội thất đồ gỗ, Hộ kinh doanh chung tôi đã tìm cách thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Theo đó, đầu năm 2020, được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 200 triệu đồng thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến lâm sản”, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 305 triệu đồng để mua mới 01 máy cưa bàn trượt và 01 máy dán cạnh gỗ để tạo ra các sản phẩm gỗ nội thất có độ chính xác cao, nâng cao năng suất lao động lên gấp 8 – 10 lần so với sản xuất thủ công và tỷ lệ sai hỏng sản phẩm gần như bằng không. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, tiếng ồn của máy giảm đi rất nhiều và cải thiện đáng kể điều kiện làm việc của người công nhân, qua đó, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên chia sẻ: “Đến nay, theo đánh giá của Trung tâm, toàn bộ các đề án hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều đạt yêu cầu về tính hiệu quả. Theo đó, các đơn vị đều nâng cao được tính chủ động trong khâu sản xuất và tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Ngoài ra, các đề án đã tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, đồng thời, khuyến khích được các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn đổi mới đầu tư dây chuyền công nghệ cao, máy móc hiện đại vào sản xuất. Đặc biệt, điều này đã gia tăng đóng góp cho ngân sách địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đảm bảo tính ổn định an ninh, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Có thể nói, với các hoạt động hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động Khuyến công Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả các nội dung, chương trình đề ra. Đặc biệt, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc cho các đơn vị đã nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh cùng lĩnh vực đến học hỏi và mạnh dạn đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất.

Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/