04/07/2020

Tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành công nghiệp thực

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có công văn giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, hiệp hội ngành hàng có liên quan tiếp tục tập trung triển khai Chương trình xây dựng chiến lược thương hiệu ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, giúp định hình thương hiệu và nâng cao giá trị xuất khẩu cho những mặt hàng này.

Chưa có thương hiệu mạnh

Ngành hàng thực phẩm có vị trí hết sức quan trọng và đây cũng là một ngành hàng đang có thế mạnh của Việt Nam. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu rất nhiều mặt hàng trong nhóm hàng này sang các nước trên thế giới, trong đó có nhiều mặt hàng đứng trong top đầu như gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản…. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận cũng như kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này.

Chia sẻ nguyên nhân, ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn để xây dựng thành công thương hiệu quốc gia là vấn đề hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế khi các doanh nghiệp vẫn cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá bán chứ chưa chú trọng xây dựng chiến lược dài hạn cũng như thương hiệu chung. Không những thế, các doanh nghiệp còn thiếu liên kết, chưa có một nền tảng chuẩn mực chung, khiến ngành thực phẩm khó có thể xây dựng được một thương hiệu mạnh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ, dù các doanh nghiệp ngành chè được tạo nhiều điều kiện xây dựng thương hiệu thông qua các chương trình thương hiệu quốc gia, nhưng việc quảng bá thương hiệu cần rất nhiều kinh phí, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước không đủ khả năng thực hiện quảng bá trong khoảng thời gian dài. Bởi vậy, để xây dựng thương hiệu cho ngành chè nói riêng và ngành thực phẩm Việt Nam nói chung cần rất nhiều sự nỗ lực không chỉ ở Chính phủ mà còn ở chính doanh nghiệp.

Nhà nước và doanh nghiệp đồng hành

Trước những khó khăn như vậy, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu của Hà Lan (CBI) và Dự án EU – Mutrap tổ chức Chiến lược xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam. Chiến lược này gồm 4 giai đoạn và đã thực hiện được 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ 3 sẽ hoàn tất trong năm 2016 và từ 2017-2020 là giai đoạn 4 của quá trình xây dựng thương hiệu thực phẩm. Từ nay đến khi kết thúc, Ban chỉ đạo sẽ xây dựng một loạt chương trình như quảng bá, tư vấn, truyền thông và xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam. Mục tiêu là xây dựng hình ảnh thực phẩm Việt Nam trên tổng thể quốc gia, không phải của địa phương nào, vùng miền nào mà sẽ là cả ngành hàng thực phẩm của Việt Nam. Khi đó, người tiêu dùng trên thế giới sẽ biết đến ngành hàng thực phẩm Việt Nam, đồng thời sẽ nâng cao được giá trị gia tăng của mặt hàng xuất khẩu trong ngành hàng thực phẩm mà chúng ta đang có thế mạnh.

Song song với những hỗ trợ từ phía Nhà nước, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, muốn làm được thương hiệu, các doanh nghiệp cần chủ động, thay đổi nhận thức, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, từ đó áp dụng các phương thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm… để đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước cũng như thế giới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại để đạt độ tự động hóa cao, mở rộng nghiên cứu thị trường, đầu tư chiều sâu, đa dạng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cần gắn với hoàn thiện kênh phân phối.

Giữa tháng 11 tới, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2016 (Vietnam Foodexpo 2016) sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại lớn, là cơ hội không thể bỏ lỡ để các doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ; tìm kiếm máy móc thiết bị, giải pháp công nghệ, chuyển giao công nghệ; tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước….

Theo Ven.vn