Tạo chuỗi giá trị thủ công mỹ nghệ
Bằng cách tư vấn xây dựng chính sách phù hợp, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường và phát triển mẫu mã sản phẩm, Bộ Công Thương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng bước liên kết chuỗi giá trị trong ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN).
Năm 2017, Công ty TNHH Đức Phong (Nghệ An) được lựa chọn hỗ trợ xây dựng thương hiệu thông qua các hoạt động: Thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, lập kế hoạch kinh doanh. Đến nay, sản phẩm giỏ, đèn, hộp… từ cây nùng của công ty được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh tại các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Hội An. Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp. Công ty trở thành đầu mối thu mua nguyên liệu cho 200 hộ dân ở vùng Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An); thuê 26 cơ sở gia công với 1.000 lao động tại Thanh Hóa, Nghệ An.
Gia tăng sức cạnh tranh cho ngành TCMN trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu
Công ty TNHH Đức Phong là một điển hình thành công nhờ sự hỗ trợ của VCCI, Bộ Công Thương và các bộ, ngành thông qua tiểu đề án hỗ trợ theo chuỗi giá trị TCMN trong đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị nông nghiệp nông thôn”. Đã có nhiều doanh nghiệp TCMN sau khi được hỗ trợ đã phát triển khá tốt cả về sản xuất và tiêu thụ, như: Công ty TNHH Gốm Chi, Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai, Công ty TNHH Túi Việt, Công ty thêu Việt…
Theo đại diện VCCI, đề án đã hỗ trợ khá toàn diện cho các doanh nghiệp nhằm hình thành chuỗi liên kết, giúp các doanh nghiệp ngành TCMN có thể tận dụng thế mạnh về sản xuất, lao động, nguồn nguyên liệu của nhau. Từ đó, gia tăng sức cạnh tranh cho ngành TCMN trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, các doanh nghiệp TCMN đã được hỗ trợ lập kế hoạch kinh doanh; tiếp cận thị trường; tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; đào tạo lao động… Tuy nhiên đại diện VCCI cũng cho hay, qua các hoạt động hỗ trợ chuyên sâu cho thấy, tình trạng chung là quy mô nhỏ, gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đề án chưa nhiều. Việc góp vốn đối ứng cũng rất khó khăn. Hơn nữa, phần nhiều doanh nghiệp TCMN nằm trong khu vực làng nghề, thiếu mặt bằng sản xuất ảnh hưởng tới môi trường sống; khả năng tiếp cận vốn tín dụng và trình độ lao động thấp cũng là những trở ngại lớn trong việc hình thành và phát triển chuỗi sản xuất TCMN.
Để khắc phục những khó khăn này, gia tăng sự ổn định của các chuỗi TCMN đã hình thành, đại diện VCCI cho rằng: Về quảng bá sản phẩm, cần sự đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các quầy hàng lưu niệm giới thiệu các mặt hàng TCMN tại sân bay trong nước và quốc tế, có không gian đủ rộng để trưng bày, thu hút khách tham quan.
Mỗi tỉnh, thành phố nên lập một trung tâm giới thiệu hàng TCMN, sản phẩm của địa phương gần các điểm tham quan, di tích để khách du lịch có cơ hội biết đến, tham quan, mua sắm, đặc biệt bố trí không gian để khách có thể tự tay thao tác tại chỗ.
Đại diện VCCI cũng đề xuất: Đề án cần tiếp tục xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất TCMN ở khu vực miền Trung là phù hợp. Nguyên do, tốc độ phát triển du lịch khu vực này rất cao, cần có kênh để gắn kết giữa lĩnh vực TCMN và ngành du lịch. Một số chuỗi khách sạn đã trưng bày sản phẩm TCMN để đưa sản phẩm này tới gần hơn với du khách, đó cũng là một kênh quan trọng để quảng bá và phát triển sản phẩm TCMN.
Xây dựng chuỗi sản xuất TCMN tại khu vực miền Trung là cần thiết nhằm tận dụng tiềm năng du lịch và phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, riêng biệt và giá trị cao.
Theo congthuong.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH