30/09/2016

Tăng trưởng GDP quý III: Thêm tín hiệu tích cực

Sáng nay (29/9), tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm. Theo đó, mặc dù tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng, song đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực, tạo đà cho tăng trưởng cao hơn vào những tháng cuối năm.

TTGDP

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2016 ước tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước

Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức tăng này thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ 2015, và 6,03% của cùng kỳ 2011, nhưng lại cao hơn mức tăng cùng kỳ của các năm 2012; 2013 và 2014 với mức tăng lần lượt là 5,1%; 5,14% và 5,62%.

Theo nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp chủ yếu là do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút. Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành này trong quý I tăng 0,2%; quý II giảm 5,3% và quý III giảm 6,8%. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế 9 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Cụ thể, 9 tháng đầu năm của các năm 2011-2015 ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng lần lượt là 3,95%; 2,75%; 2,38%; 2,94%; 2,08%.

Ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết: Mặc dù tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm không được cao như mong muốn, song diễn biến GDP từ đầu năm đến nay luôn theo chiều hướng quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I tăng trưởng GDP đạt 5,48%; quý II tăng 5,78% và quý III tăng 6,40%. Trong khi tăng trưởng quý I và II có khoảng cách tăng trưởng không lớn, nhưng sang đến quý III, tăng trưởng GDP có sự bứt phá ngoạn mục từ 5,78% (quý II) lên 6,40% (quý III). Khoảng cách tăng trưởng giữa 2 quý là 0,62% .

Đây là dấu hiệu tích cực, chứng tỏ tăng trưởng GDP đang có những chuyển biến mới và có thể tạo đà cho quý IV đạt mức tăng trưởng cao hơn – ông Hà Quang Tuyến nhấn mạnh.

Một tín hiệu vui nữa trong tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm là, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi nhất định. Thể hiện rõ nhất ở chỗ, quý I và II, tăng trưởng của ngành nông nghiệp là âm 0,18% thì sang đến quý III đã có tăng trưởng dương. Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,65%. Đây không phải là mức tăng cao, song cho thấy ngành nông nghiệp đã có những bước phục hồi rõ nét và có thể đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng những tháng cuối năm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Mặc dù có những tín hiệu tích cực so với kết quả 6 tháng đầu năm, song theo Tổng cục Thống kê, khả năng đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016 theo mục tiêu Quốc hội đề ra là vô cùng khó khăn. Thậm chí, theo ông Nguyễn Bích Lâm, không chỉ khó khăn với mục tiêu 6,7% mà ngay cả tăng trưởng 6,5% cũng không hề đơn giản.

Trước diễn biến trên, Tổng cục Thống kê nhận định, để đạt mức tăng trưởng cao nhất từ nay đến cuối năm Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích nghi với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh nghiên cứu và đưa vào sử dụng các loại giống tốt, giống chất lượng; Thực hiện các biện pháp thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương cần có những giải pháp trung và dài hạn xử lý vấn đề xâm nhập mặn, vấn đề hạn hán tại một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên. Cần nghiên cứu, quy hoạch lại cơ cấu sản xuất các ngành, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn. Đồng thời, tiến hành tu bổ, nạo vét hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi ngăn mặn, xây dựng các hồ chứa đề giữ nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Tăng cường và thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, thu ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn ngân sách nhà nước và trái phiêu Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm động lực phục vụ. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi công nghệ, sắp xếp lại tổ chức sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.

Cùng với đó, cần tập trung thực hiện các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng…

Cuối cùng, Chính phủ cần thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội, phúc lợi xã hội. Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục hỗ trợ vùng bị thiệt hại do thiên tai; khẩn trương thực hiện bồi dưỡng, hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.

Theo BaoCongThuong.com.vn