Tăng năng lực cạnh tranh: Bàn đạp để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam và tác động từ các hiệp định thương mại tự do đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường mới. Tuy nhiên, để nắm bắt các cơ hội này còn phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp.
Cần bước đi vững chắc để vượt qua khó khăn
Tại Hội nghị LEAN Marathon Summit 2020 với chủ đề “Phát triển năng lực cạnh tranh sản xuất – Từ chiến lược đến hành động” do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý năng suất chất lượng (P&Q Solutions) tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Kiều Nguyễn Việt Hà – Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2020 là một năm thực sự khó khăn và có lẽ đây là một “phép thử” đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong “phép thử” đó, có những doanh nghiệp phải đi chậm lại nhưng cũng có những doanh nghiệp đang đi nhanh về phía trước.
“Tôi tin rằng, các doanh nghiệp đều đã có những bài học cho riêng mình, bài học từ thất bại để làm ra những kết quả tốt hơn và đạt được những thành công lớn hơn” – bà Kiều Nguyễn Việt Hà nói, đồng thời cho rằng, trong thời gian qua, mặc dù doanh nghiệp đã có những nỗ lực lớn trong hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất nhưng vẫn còn mang tính chất ngắn hạn. Do đó, với những “phép thử” vừa qua, có lẽ chúng ta cần phải có một cách tiếp cận mang tính chiến lược và những bước đi thực sự vững chắc để vượt qua khó khăn, thách thức lớn trong quá trình phát triển doanh nghiệp.
Theo bà Kiều Nguyễn Việt Hà: Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 604/QĐ-TTg phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó, giao Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động của dự án.
Trong dự án này, một trong những mục tiêu chính của Bộ Công Thương là hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như nâng cao sức cạnh tranh, bằng việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế hay các công cụ cải tiến hiện đại. LEAN (mô hình sản xuất tinh gọn) là một trong những công cụ được đặc biệt ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp triển khai.
Dẫn chứng một số kết quả chính của dự án, bà Kiều Nguyễn Việt Hà cho hay: Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đã hỗ trợ khoảng 500 mô hình điểm và các mô hình này đều là các điểm sáng trong các phân xưởng, nhà máy của các doanh nghiệp và đã từng bước lan rộng ra các phân xưởng, nhà máy cũng như các doanh nghiệp khác. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có được sự lan tỏa từ các kết quả của chương trình của Bộ Công Thương đối với hoạt động của doanh nghiệp trong ngành.
Tiền đề quan trọng để doanh nghiệp chuyển đổi số
Công ty P&Q Solutions là một trong các đơn vị có thế mạnh trong hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã cùng với P&Q Solutions triển khai nhiều hoạt động, bắt đầu từ việc mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá xem doanh nghiệp còn có những điểm hạn chế nào và cần phải có chiến lược, bước đi ra sao trong vấn đề cải tiến năng suất.
“Chúng tôi đã cùng với P&Q Solutions hỗ trợ trực tiếp những dự án về LEAN và cụ thể trong năm 2019, 2020, đã hỗ trợ khoảng 20 doanh nghiệp trong 4 nhóm ngành khác nhau. Trong đó, đã hỗ trợ triển khai những công cụ rất cụ thể, hữu ích như công cụ hỗ trợ quá trình quản lý hoạt động thiết kế” – bà Kiều Nguyễn Việt Hà nêu.
LEAN được đánh giá là công cụ nền tảng, tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục đổi mới sâu hơn và xa hơn, đặc biệt, tiếp tục bước đi trên con đường chúng ta đang hướng tới là chuyển đổi số và sản xuất thông minh.
Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, chúng ta đang nhìn thấy nhiều cơ hội: Xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam, khi họ nhìn thấy Việt Nam là một thị trường tốt để họ phát triển, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, tác động từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường còn phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp.
“Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều đến câu chuyện chúng ta phải tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, do đó cũng đã đến lúc doanh nghiệp phải nghĩ đến việc khởi tạo chuỗi của bản thân mình với hoạt động phát triển sản phẩm, phát triển giá trị của riêng mình” – bà Kiều Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.
Là công ty gia công trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Công ty Nhựa An Phú Việt cho biết: Để tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu, doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chí: Chất lượng phải theo tiêu chuẩn quốc tế, giá cả cạnh tranh, sản lượng lớn, thời gian giao hàng nhang và thực hiện trách nhiệm xã hội. Do đó, doanh nghiệp phải chọn lựa chiến lược phù hợp với đối tượng khách hàng để tập trung nguồn lực tạo hiệu quả tồn tại và phát triển. Tại An Phú Việt, bên cạnh đội ngũ nhân sự trẻ và nhiệt tình, công ty đã tập trung đầu tư máy móc và thiết bị liên tục, nếu không đầu tư thì không thể sản xuất được các chi tiết có độ khó theo yêu cầu của khách hàng…
Ông Phạm Minh Thắng – Giám đốc Công ty P&Q Solutions chia sẻ: Việc thực thi các công cụ cải tiến đã tạo ra được các thay đổi tích cực về nhận thức và hiệu quả đột phá về năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khoảng 2 -3 năm, nhiều hoạt động cải tiến, phong trào cải tiến của doanh nghiệp khó có thể tiếp tục duy trì, hoặc duy trì một cách rời rạc và yếu ớt. Bởi các hoạt động cải tiến chưa thực sự được hoạch định và định hướng một cách rõ ràng vào chiến lược phát triển năng lực cạnh tranh giai đoạn trung và dài hạn của doanh nghiệp.
“Vì vậy, bên cạnh việc giải quyết các nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp như tìm kiếm khách hàng, đáp ứng các đơn hàng…. thì doanh nghiệp vẫn phải tập trung vào các chính sách lâu dài, kiên trì với định hướng chiến lược lâu dài về cải tiến nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, chỉ có như vậy mới giúp cho doanh nghiệp theo đuổi thành công và tạo dựng được vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Phạm Minh Thắng khẳng định.
Nằm trong khuôn khổ của Đề án “Tập huấn, tư vấn áp dụng phương pháp quản lý sản xuất tinh gọn LEAN tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp” thuộc chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” của Bộ Công Thương. Trong năm 2019 – 2020, đã có hơn 30 doanh nghiệp công nghiệp đăng ký tham gia đề án này, được hỗ trợ bởi nguồn ngân sách từ Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) và được tư vấn bởi đơn vị chuyên môn là P&Q Solutions. |
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024