27/11/2018

Tăng cường liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước

Kết quả khảo sát 194 doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chuyên sản xuất linh kiện kim loại, linh kiện điện, điện tử và linh kiện nhựa, cao su cho thấy, số lượng DN nội địa cung ứng cho các công ty đa quốc gia, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam còn rất hạn chế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ôtô, điện tử, máy công nghiệp.

dntrong

DN CNHT Việt Nam hoàn thiện năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng của DN FDI

Theo ông Lê Dương Quang – Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, thách thức lớn nhất của DN Việt Nam nói chung và DN ngành CNHT nói riêng là năng lực cạnh tranh còn hạn chế; trình độ phát triển giữa các khu vực DN (DN nhà nước, tư nhân, FDI…) còn khá nhiều chênh lệch. Tính hợp tác, liên kết giữa các DN trong cùng một ngành, một lĩnh vực nhìn chung rất hạn chế.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam tuy có lực lượng lao động dồi dào, song tỷ lệ lao động có tay nghề, lao động được đào tạo bài bản còn thấp. Thêm vào đó, mặc dù môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh đã và đang tiếp tục được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển.

Đặc biệt, đa phần các DN CNHT là DN nhỏ, nguồn lực hạn chế, việc vay vốn hoạt động luôn là vấn đề khó khăn, nan giải. Trong khi đó, DN FDI có thể vay vốn với lãi suất thấp (từ các ngân hàng của nước ngoài) với mức lãi từ 1- 2%/năm thì DN Việt Nam phải vay với lãi suất 9- 10%, riêng việc này đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của DN Việt.

Để Việt Nam có được một chiến lược phát triển CNHT tốt, cần phải thiết kế theo một chuỗi giá trị, theo hình thức mỗi ngành 1 sản phẩm, có chính sách thu hút để DN có thể tham gia vào chuỗi theo từng công đoạn của chuỗi đó, thì mức độ đóng góp của DN Việt Nam sẽ mạnh hơn, sẽ tác động trực tiếp tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Như thế, mới nâng được tỷ trọng xuất khẩu của DN Việt Nam so với DN FDI.

Ông Lê Dương Quang cho hay, việc tăng cường mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước cần lựa chọn cho được các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng nằm trong các chuỗi mà DN có thể tham gia. Đồng thời, phải làm tốt 3 yếu tố, đó là: Sản xuất được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phải có các cụm CNHT, các khu phức hợp về CNHT. Việc xây dựng các khu phức hợp về CNHT phải là hướng ưu tiên… thậm chí phải thành lập các sàn giao dịch CNHT.

Bên cạnh đó, DN FDI và DN trong nước cần hướng đến nhau, thay vì cùng đi trên “hai đường thẳng song song”, chưa thực sự “bắt tay”, hợp tác để tạo nên mối quan hệ “win – win” – hai bên cùng có lợi.

Về phía nhà nước, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp của Chính phủ đồng hành cùng DN như: Giảm chi phí đầu tư và kinh doanh, giảm thuế thu nhập DN, cấu trúc lại hệ thống logistics, cải cách thủ tục hành chính… Đối với khu vực FDI, nhà nước cần thực hiện chính sách khuyến khích mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước như cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính đối với những DN FDI có nhiều DN trong nước làm CNHT là nhà cung ứng cấp 1; hay áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với DN Việt là nhà cung ứng cấp 1 như đối với DN FDI.

Theo kinhtevn.com.vn