Tâm huyết của nghệ nhân trẻ làng nghề Cát Đằng – Ý Yên – Nam Định trong việc giữ gìn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Cát Đằng là vùng đất nằm giữa hai trục đường bộ và đường sắt xuyên Việt. Theo Nam Định dư địa chí thì nghề sơn mài làng Cát Đằng có từ khoảng thể kỷ 11, do hai ông tên là Ngô Dũng và Đinh Ba (từng làm quan trong triều thời vua Đinh) đến làng ở và truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng.
Cũng như các làng quê Việt Nam khác, Cát Đằng cũng đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng nghề sơn mài ở đây vẫn được gìn giữ và ngày một phát triển. Trước đây, người ta vẫn thấy hàng sơn mài chỉ được làm trên những tấm gỗ đã được chọn lựa rất kỹ, thì nay, người Cát Đằng đã sáng tạo thêm những sản phẩm từ việc chắp tre, nứa rồi đem sơn mài. So với gỗ, loại mặt hàng này vừa nhẹ, giá rẻ hơn, chất lượng đảm bảo, thu hút được nhiều khách hàng đặc biệt là khách nước ngoài và cho đến nay mặt hàng sơn mài có cốt làm từ tre nứa ghép đã trở thành một trong những mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với kim ngạch khá lớn của nước ta.
Ông Bùi Văn Hải – Giám đốc Công ty TNHH Nam Hải cũng là người con của làng nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định. Là thanh niên thế hệ 7X sinh ra lớn lên gắn bó với làng nghề, ngay từ những năm 2004, với trăn trở để phát huy nghề truyền thống của quê hương, ông Hải đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Nam Hải tại ngay mảnh đất quê hương. Ngoài các sản phẩm sơn mài truyền thống, ông đã định hướng cho Công ty mình trong việc phát triển sâu các sản phẩm sơn mài từ tre, nứa cuốn (một loại vật liệu tự nhiên thân thiện với môi trường và được các nước phát triển ưa dùng). Trong những ngày đầu thành lập, Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng, về vốn đầu tư, về tuyển dụng và đào tạo công nhân, về mặt bằng sản xuất… Ông Hải đã phải đôn đáo rất nhiều nơi, bằng nhiều cách để khắc phục những khó khăn ban đầu của Công ty. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự say mê nghề truyền thống của quê hương, ông Hải cũng đã tìm đến sự hỗ trợ của hoạt động Khuyến công. Ông đã chia sẻ với những người làm khuyến công các khó khăn của các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và khó khăn của Công ty TNHH Nam Hải nói riêng. Nhận thấy sự quyết tâm của ông Hải trong việc phát triển nghề sơn mài từ tre nứa ghép, các cán bộ và lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã đồng hành, tư vấn, tháo gỡ các khó khăn cho Công ty, trong đó đã triển khai đào tạo nghề để cung cấp nguồn lao động cho Công ty từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Đến nay, lực lượng lao động từ các lớp đào tạo này đã được công ty tiếp nhận sử dụng tại xưởng sản xuất của mình, nhiều người đã trở thành các hạt nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Với sự quyết tâm của người giám đốc trẻ, Công ty TNHH Nam Hải đã dần đi vào ổn định hoạt động sản xuất và ngày càng khắng định được năng lực sản xuất trên thị trường trong và ngoài nước. Công ty đã trở thành một trong những đơn vị được hãng IKEA của Thụy Điển (một trong những nhà phân phối sản phẩm tiêu dùng lớn nhất thế giới) lựa chọn làm đối tác chuyên cung cấp các sản phẩm sơn mài từ tre nứa ghép tại Việt Nam. Để khắng định được vị thế của Công ty, ông Hải đã và đang phải nghiên cứu, đầu tư để hiện đại hóa sản xuất, đưa máy móc dần vào thay thế con người trong những khâu nặng nhọc và độc hại, giúp tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của khách hàng.
Hình ảnh một số thiết bị máy móc được Công ty đầu tư gần đây để đáp ứng các tiêu chí khắt khe của khách hàng
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi gần đây, ông Hải đã chân tình bộc bạch một số suy tư trăn trở về chuyện nghề. Ngoài sự quyết tâm nỗ lực của bản thân và tập thể cán bộ công nhân viên của Công ty để Công ty ngày càng lớn mạnh, phát triển thì ông rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp các ngành nói chung và của hoạt động Khuyến công nói riêng để hỗ trợ Công ty tiếp tục đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đồng thời tư vấn nâng cao năng lực trong công tác quản lý tài chính kế toán, áp dụng các công cụ hiện đại để quản lý tinh gọn trong sản xuất. Ông cũng chia xẻ việc ấp ủ mở rộng quy mô sản xuất để phấn đấu trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Việt Nam cho một số hãng phân phối hàng thủ công mỹ nghệ lớn trên thế giới; qua đó góp phần làm rạng danh nghề sơn mài truyền thống của quê hương Cát Đằng.
Thực hiện: Minh Hiển – IPC1
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH