27/01/2018

Sản phẩm công nghiệp nông thôn: Tìm đường xuất ngoại

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công 1 (trung tâm 1), Cục Công Thương địa phương đã tổ chức Tọa đàm về việc xúc tiến tiêu thụ hàng hóa Việt Nam sang Lào. Đây là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) sang thị trường các nước ASEAN, trong đó có Lào.
spcnnt
100% sản phẩm của Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến hiện vẫn tiêu thụ tại thị trường nội địa
Chia sẻ tại buổi tọa đàm ông Phạm Duy Khánh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Lào – cho hay: Lào và Việt Nam có quan hệ kinh tế, chính trị đặc biệt và gần gũi về địa lý, do đó rất thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trao đổi hàng hóa. Chính phủ Lào cũng rất ủng hộ doanh nghiệp Việt đầu tư kinh doanh tại đất nước này. Hiện có trên 258 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào với tổng giá trị trên 5,3 tỷ USD. Chính phủ hai nước kỳ vọng đến năm 2020 giao thương hai chiều sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD.
Cũng theo ông Khánh, sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng, trồng trọt, hóa chất, vật liệu xây dựng… có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Lào, đặc biệt là hàng tiêu dùng.
Tự tin với chất lượng sản phẩm nước mắm Vạn Phần- một trong những mặt hàng được đánh giá có khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang Lào, ông Võ Văn Đại- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vạn Phần Diễn Châu – cho biết: Sản phẩm được chế biến theo cách truyền thống, sử dụng phương pháp ủ chượp, gài nén, không sử dụng chất bảo quản, do đó chất lượng bảo đảm, đáp ứng mọi quy chuẩn chất lượng. Năng lực sản xuất của công ty hiện khá lớn với sản lượng bình quân 10.000 lít/ngày, tuy nhiên sản phẩm của công ty mới chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước, chỉ 5% sản lượng được xuất khẩu. “Chúng tôi mong muốn mở rộng thị trường ngoài nước, trong đó có thị trường Lào” – ông Võ Văn Đại bày tỏ.
Cùng chung nguyện vọng trên, ông Lê Huy Điệp – Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến chia sẻ: Công ty chuyên sản xuất các loại máy phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. 100% sản phẩm hiện tiêu thụ tại thị trường nội địa, thời gian tới công ty mong được hỗ trợ về hàng rào pháp lý, cách thanh toán theo thông lệ quốc tế và tìm hiểu về văn hóa tiêu dùng nhằm có những sản phẩm phù hợp với văn hóa và nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Lào để xuất khẩu .
Mặc dù khá cởi mở với hàng hóa nhập khẩu, tuy nhiên, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt sang thị trường Lào được cho rằng vẫn có những khó khăn nhất định. Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư của Lào đang trong quá trình sửa đổi, không thống nhất và khó tiếp cận. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa cơ quan bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa linh hoạt. Việc triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Lào của nhà đầu tư nước ngoài khá khó khăn do sự thiếu thống nhất trong áp dụng chính sách, đặc biệt là các quy định do địa phương đặt ra và áp dụng ngoài các chính sách của nhà nước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những trở ngại trên, Cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại Lào cam kết thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nhằm xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt sang thị trường này bằng con đường chính ngạch. Cập nhật chính sách thương mại và cung cấp thông tin kịp thời về đối tác, cũng như phương thức thanh toán cho doanh nghiệp trong nước. Trong năm 2018, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Lào sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp Việt sang Lào khảo sát, tìm hiểu thị trường, từ đó có kế hoạch cụ thể xuất khẩu hàng hóa.
Hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm CNNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được trung tâm 1 triển khai trong những năm qua. Riêng năm 2017, trung tâm 1 đã dành 3 tỷ đồng hỗ trợ 44 doanh nghiệp tham gia hội chợ tại Thành phố Frankfust (Đức) và Hạ Môn (Trung Quốc). Đề án này đã giúp các cơ sở CNNT quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Được biết, đây tiếp tục là nội dung trọng tâm được trung tâm 1 triển khai trong năm 2018.
Ông Phạm Duy Khánh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Lào: Doanh nghiệp Việt muốn vào thị trường Lào phải thông báo với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào để lấy thông tin doanh nghiệp sở tại, nhằm siết chặt quản lý và tránh tối đa rủi ro, nhất là rủi ro trong hoạt động thanh toán.