Phú Thọ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp
Phú Thọ hiện có 21 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.076ha. Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư phát triển các CCN, qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hoạt động sơ chế gỗ tại Công ty cổ phần Gemmy Tân Sơn
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp trong CCN tại Phú Thọ vẫn nỗ lực duy trì, ổn định hoạt động sản xuất; giải quyết việc làm cho gần 15.000 lao động, góp phần đóng góp vào ngân sách địa phương.
Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển các CCN trên địa bàn, Phú Thọ đã ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về các CCN trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời trình Bộ Công Thương cho ý kiến mở rộng, điều chỉnh quy hoạch các CCN; thành lập hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ; các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, hệ thống cấp thoát nước được quan tâm xây dựng. Đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Công tác quản lý môi trường, giám sát, kiểm tra vấn đề thu gom và xử lý nước thải, rác thải của các doanh nghiệp được chú trọng thực hiện.
Cùng với đầu tư hạ tầng CCN, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, có cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn. Các thủ tục hành chính được rút gọn; các chính sách mềm về ưu đãi đầu tư, thuế được công bố áp dụng công khai… Từ đó thu hút nhiều dự án, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tại huyện Tân Sơn, nhờ tạo môi trường đầu tư thuận lợi, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư vào CCN, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với đó là việc triển khai các chính sách ưu đãi nhằm tạo sức hấp dẫn để huy động nguồn lực đầu tư phát triển CCN mà địa phương này từ chỗ “trắng” doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đến nay toàn huyện đã có trên 900 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đặc biệt, CCN Tân Phú với quy mô 45ha đi vào hoạt động từ năm 2017 đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện. Hiện nay CCN Tân Phú có 3 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất với tỷ lệ lấp đầy 30,4%.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, sơ chế gỗ hiện đang hoạt động tại CCN Tân Phú, ông Phan Công Thắng – Phó Giám đốc Công ty CP Gemmy Tân Sơn cho biết, doanh nghiệp chọn địa bàn huyện Tân Sơn để đầu tư xây dựng nhà máy bởi ở đây có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, thuận lợi cho quá trình sản xuất. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các thủ tục xin cấp phép đầu tư sản xuất và trong gần 4 năm hoạt động tại đây, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền và ngành chức năng của huyện.
Rõ ràng, sự hình thành và phát triển các CCN có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ. Ðặc biệt tại địa bàn nông thôn, CCN đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ: “Để phát triển các CCN theo hướng hiệu quả và bền vững, thời gian tới tỉnh Phú Thọ sẽ chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào các CCN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển CCN; hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nâng cao khả năng kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng của cả nước. Đồng thời cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển CCN”.
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia