25/10/2018

Phụ nữ ngành Công Thương: Sẵn sàng nhân lực hội nhập toàn cầu

Với sự quan tâm của các cấp trong việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, thời gian qua các nữ cán bộ công nhân viên lao động (CBCNVLĐ) trong ngành Công Thương đã không ngừng phấn đấu, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo trên các lĩnh vực. Từ đó, khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Công Thương nói riêng và đất nước nói chung.

Phóng viên báo Công Thương đã có những trao đổi với đồng chí Lê Thị Đức – Phó Chủ tịch (PCT) Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) về nội dung này.

phunuct1

Đồng chí Lê Thị Đức, Phó Chủ tịch CĐCTVN phát biểu tại Hôi nghị công tác Nữ công toàn Ngành ngày 24/10/2018

Đồng chí có thể cho biết những thành tích nổi bật trong công tác phát triển, thúc đẩy sự tiến bộ của CBCNVLĐ nữ toàn Ngành?

Đồng chí Lê Thị Đức: Là một công đoàn (CĐ) ngành lớn, với tổng số nữ đoàn viên là 48.253 đoàn viên nữ/50.760 lao động nữ (tỷ lệ đoàn viên nữ chiếm 31,57%), trong những năm qua, CĐCTVN đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ trong ngành tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chính sách của nhà nước, của ngành, của đơn vị; hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Đảng và Nhà nước giao. Trong thành tích chung của ngành Công Thương có sự đóng góp quan trọng của lực lượng nữ CNVCLĐ về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và quản lý nhà nước của ngành.

Hiện nay, đội ngũ nữ CBCNV của ngành Công Thương không ngừng phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành và sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ. Đội ngũ cán bộ nữ được tin tưởng và tham gia nhiều vị trí trọng trách trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Công đoàn, Ban Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các đơn vị trực thuộc ngày một gia tăng.

Trong ngành, ngày càng nhiều CNVCLĐ nữ có công trình nghiên cứu được nhận giải thưởng Kovalepskaia, Nữ doanh nhân trí thức thành đạt, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ)… Hàng năm có từ 10-20 chị được tôn vinh lao động giỏi, lao động sáng tạo cấp công đoàn ngành.

Trong thời kỳ CNH – HĐH, công nghiệp 4.0, theo đồng chí, các nữ đoàn viên CĐCTVN cần trang bị cho mình những kiến thức kỹ năng gì để có thể đáp ứng nhu cầu thời đại?

Đồng chí Lê Thị Đức: Nữ đoàn viên CĐ ngành Công Thương cần xác định CMCN 4.0 là xu thế tất yếu và bắt buộc phải thích nghi bằng cách thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán, thái độ làm việc, chủ động tiếp cận và nắm bắt thông tin về ứng dụng của cuộc cách mạng này. Cần cân bằng cuộc sống, công việc, vượt qua các rào cản giới, vượt qua sự tự ti, trì trệ trong tư duy và hành động để có thể tiếp cận với sự thay đổi của khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của CMCN 4.0.

Lao động nữ cần có đầy đủ các yếu tố cần thiết để sẵn sàng tham gia cạnh tranh trong thị trường lao động 4.0, đó là: tâm lực, trí lực, năng lực và thể lực. Mỗi lao động nữ phải ý thức tự có kế hoạch, phương án thực hiện để xây dựng tâm lực, trau dồi trí lực, sẵng sàng về năng lực, nâng cao thể lực để đối mặt với thách thức, áp lực và tạo sự bứt phá từ CMCN 4.0.

Thực tế cho thấy, lao động Việt Nam nói chung, lao động nữ nói riêng vẫn còn hạn chế trong việc sở hữu các kỹ năng chuyên môn, năng suất lao động, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm… Lao động nữ trong CMCN 4.0 cần sử dụng và phát huy tối đa khả năng học tập, sáng tạo,làm việc nhóm, chấp nhận thay đổi nghề nghiệp cũng như chỗ làm việc và phải có tinh thần học tập suốt đời. Áp dụng phương pháp học tập tích cực, gắn với thực tế, yêu cầu của công việc. Lao động nữ trình độ thấp phải không ngừng trau dồi nâng cao trình độ, để năng suất tối ưu, làm chủ những dây chuyền sản xuất tự động. Lao động trình độ cao cũng phải liên tục học tập, cầu tiến vì sự phát triển của máy móc đang theo rất sát phía sau.

Trong thời gian tới, CĐCTVN sẽ chú trọng tới công tác nào để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các đoàn viên nữ?

Đồng chí Lê Thị Đức: Thời gian qua và cả tới đây, CĐCTVN sẽ luôn phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ở cơ sở để chỉ đạo thực hiện các mục tiêu hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2015-2020 và các chương trình hành động về Bình đẳng giới của TLĐLĐ. Đồng thời, thực hiện Chỉ thị của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Công Thương. Vận động nữ CNVCLĐ trong ngành tích cực tham gia quá trình sắp sếp, đổi mới doanh nghiệp, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành. Bên cạnh đó, phát hiện những nữ CNVCLĐ ưu tú để đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu tham gia đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo moit.gov.vn