05/10/2017

Phát triển năng lượng từ bã mía – Cơ hội cho các nhà đầu tư

Ngày 3/10, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Bộ Công Thương, GGGI và Văn phòng Biến đổi khí hậu toàn cầu thuộc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Nhà đầu tư về “Các cơ hội đầu tư vào Dự án đồng phát năng lượng từ ngành mía đường Việt Nam”.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình sẵn sàng tài chính khí hậu (CF Ready) tại Việt Nam và các hoạt động nhằm hỗ trợ quá trình đầu tư vào các dự án đồng phát điện (CHP) sử dụng bã mía của các nhà máy đường thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng do Bộ Công Thương phối hợp với GIZ triển khai, thực hiện. Hội thảo là nơi gặp gỡ, thảo luận và trao đổi các cơ hội đầu tư vào các Dự án đồng phát năng lượng cũng như tạo cơ hội xây dựng phát triển hợp tác kinh tế giữa các bên.

Theo đó, Hội thảo sẽ trình bày 05 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được triển khai ở Nhà máy đường Phụng Hiệp, Xí nghiệp đường Vị Thanh, Công ty Cổ phần mía đường Đắk Lawsk, Công ty CP Mía đường Lam Sơn và Công ty TNHH Mía đường Nghệ An. Các báo cáo được trình bày bởi công ty tư vấn đến từ Đức E-Quadrat, công ty Enerteam, Viện Năng lượng và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4 cùng triển khai. Tuy nhiên để các dự án này có thể triển khai được thì các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước cần có chính sách về giá công bằng và tương xứng.

ptnltbm

Ông Doanh phát biểu tại hội thảo

Theo ông Phạm Ngọc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam thì “ Hiện giá năng lượng từ bã mía (đồng phát năng lượng) theo quy định chỉ vào 5,8Cent/kWh trong khi giá năng lượng sinh khối (năng lượng từ trấu, biogas…), quy định được mua với giá trên 7Cent/kWh. Ví dụ nhà máy đường An Khê nếu đầu tư dự án để phát điện thì mất 20 năm mới có thể thu hồi vốn còn nếu bán bã mía tính ra còn được giá cao hơn đầu tư vào phát điện. Để khuyến khích đầu tư các dự án phát triển năng lượng từ bã mía thì Chính phủ cần điều chỉnh chính sách giá, chúng tôi chỉ mong muốn giá năng lượng từ bã mía ngang bằng giá năng lượng sinh khối”.

“ Trong khi tỷ trọng sản lượng điện của Việt Nam lại chủ yếu ở các nhà máy thủy điện, vào mùa khô công suất phát điện của các nhà máy thủy điện xuống thấp nhưng đây lại là thời điểm sản xuất của các nhà máy đường do vậy nếu chúng ta có một chính sách về giá điện hợp lý cho các dự án năng lượng từ bã mía thì đây sẽ là cơ hội để thị trường năng lượng sinh khối của Việt Nam phát triển, góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Doanh cho biết.

Hiện ngành mía đường Việt Nam đang xây dựng đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; thực hiện cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía trong ngành mía đường. Nếu có giải pháp đồng bộ thực hiện tái cơ cấu hiệu quả thì đến năm 2030 sản lượng mía cả nước có thể sản xuất được 40 triệu tấn mía, khoảng 4.5 triệu tấn đường; điện năng sản xuất từ bã mía có thể đạt 4.7 triệu MWh, tương ứng công suất phát điện 1600 MW và lượng điện thương phẩm lên lưới có thể thể đạt 50 – 60% đạt trên 2,8 triệu MWh, tương đương công suất đấu nối vào điện quốc gia là 900MW. Đây là tiềm năng to lớn để Việt Nam có thêm các nguồn năng lượng sạch.

Chia sẻ tại Hội thảo bà Sonia Lioret- Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) “Việt Nam đã có những cam kết đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo đã được đề ra trong Quy Hoạch phát triển điện VII sửa đổi. Theo đó, năng lượng sinh khối sẽ chiếm 1% vào năm 2020 và 3% vào tổng lượng điện sản xuất vào năm 2030. Và khi nói về sinh khối, chủ yểu là chúng ta đang nói về bã mía ở Việt Nam”.

“Đầu tư vào các dự án nhiệt điện đồng phát sử dụng bã mía thực ra chính là đầu tư với nhiều mục đích: năng lượng, khí hậu, nông nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Chính vì vậy, quá trình này cần có sự tham gia của các bên giữa các nhà máy đường, các chuyên gia năng lượng Việt Nam, chuyên gia Đức, GIZ và GGGI và chúng tôi đặc biệt lựa chọn tập trung vào ngành mía đường, vì GIZ nhận thấy ngành mía đường có tiềm năng lớn nhất về sản xuất điện từ nguồn sinh khối” Bà Sonia Lioret nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về tình trạng phát triển ngành đường Việt Nam và thế giới, và tiềm năng sử dụng bã mía cho sản xuất năng lượng. Đặc biệt quan trọng là tư vấn trong nước sẽ giới thiệu năm (05) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre FS) của Dự án đồng phát năng lượng từ bã mía của năm (05) nhà máy đường. Cũng trong hội thảo này đại diện của Viện Năng lượng ( Bộ Công Thương) đã giới thiệu Sổ tay phát triển dự án sinh khối nối lưới tại Việt Nam do GIZ phối hợp cùng Tổng cục Năng lượng Bộ Công thương thực hiện mô tả chi tiết và rõ ràng các bước/quy trình thủ tục hành chính phát triển các Dự án sinh khối nối lưới sẽ được chính thức phát hành.

Có thể thấy, Hội thảo lần này là điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành mía đường Việt Nam tiếp cận, tìm hiểu gặp gỡ trao đổi với các nhà khoa học, tư vấn, quản lí trong nước và quốc tế để xem xét quyết định đầu tư phát triển các dự án điện từ bã mía trong thời gian tới.

Thực hiện chiến lược an ninh năng lượng Quốc gia, đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện năng cho phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt dân cư, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2010 – 2020 có xét đến năm 2030. Trong đó xác định: phát triển sử dụng nguồn năng lượng sinh khối: đồng phát nhiệt diện từ các nhà máy đường, nhà máy chế biến lương thực thực phẩm; thực hiện đồng phát đốt nhiên liệu sinh khối với than tại các nhà máy điện than; phát triển từ chất thải rắn. Tỷ trong điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng sinh khối đạt 1% vào năm 2020 và 2,1% vào năm 2030.

Theo BaoCongThuong.com.vn