14/07/2019

Phát triển năng lượng tái tạo hướng đi của tương lai

Thực tế, trong vòng 2 năm trở lại đây chúng ta đã và đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với nhiều cơ chế hỗ trợ của nhà nước ngày càng thiết thực hơn.

Tiềm năng lớn

Với vị trí địa lý, khí hậu và đặc thù của nước nông nghiệp đã tạo cho Việt Nam có tiềm năng dồi dào và khá đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng để tạo ra năng lượng như thủy điện nhỏ, gió, sinh khối, gió, mặt trời, khí sinh học, ….

Hiện nay, vấn đề sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo song song với tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất nhằm giảm chi phí và giảm thiểu sự tác động tiêu cực đối với môi trường đang nổi lên như một vấn đề cấp thiết. Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường.

nluongtaitaotl1 1

Tạp chí Công Thương đồng hành trong công tác truyền thông với năng lượng tái tạo Việt Nam

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Hiện nay, Việt Nam có trên 120.000 trạm thủy điện, với tổng công suất ước tính khoảng 300MW. Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió khá lớn, với đường biển trải dài khiến lưu lượng gió dồi dào, tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW.
Tiềm năng năng lượng gió của Việt nam tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, … và các đảo.

Cùng với đó là tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng mặt trời, có thể khai thác cho các mục đích sử dụng như: đun nước nóng, phát điện; các dạng ứng dụng cho sấy, đun nấu,….

Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới, nền kinh tế nông nghiệp mạnh mẽ, đã tạo ra các điều kiện đa dạng và phong phú để khai thác và sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc của JLL Việt Nam (JLL là tập đoàn hàng đầu chuyên nghiên cứu thị trường, cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp – JLL niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ), nhận định: “Việt Nam là quốc gia hội tụ những đặc điểm địa lý lý tưởng cho việc sản xuất các loại năng lượng tái tạo. Một khi các nhà đầu tư nhìn thấy những động thái tích cực từ phía chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án, khi đó các lĩnh vực thay thế bền vững sẽ trở thành một thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư”.

“Việt Nam đang phải đối mặt với những áp lực lên mạng lưới điện do sự gia tăng trong các hoạt động phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là tại các đô thị lớn và khu công nghiệp. Chính vì vậy mà việc đầu tư vào các lĩnh vực thay thế như năng lượng tái tạo sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước trong tương lai,” ông Stephen cho biết thêm.

nluongtaitaotl2

Nhà đầu tư, khách hàng quan tâm triển lãm tại Diễn đàn

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đã công bố tham vọng đối với ngành năng lượng. Đây là động thái tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực đầu tư thay thế trên thị trường. Đồng thời cũng phương án tuyệt vời cho các tập đoàn mong muốn phân bổ nguồn vốn vào những phân khúc đầu tư bền vững và chiếm ưu thế trong cuộc chiến đa dạng hóa các danh mục đầu tư của họ. Nhờ đó mà năng lượng tái tạo lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư.

Định hướng

Nhận thức được tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện sự quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo một cách xuyên suốt từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX của Đảng năm 2001. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 03 năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 và các cơ chế chính sách khuyến khích về năng lượng tái tạo.

Cụ thể cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo:Quy định trách nhiệm mua điện và ưu tiên huy động công suất từ nguồn năng lượng tái tạo: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. Các nhà máy sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên khai thác toàn bộ công suất và điện năng phát phù hợp với chế độ cung cấp nhiên liệu của khu vực nhà máy. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ đầu tư, đảm bảo họ sẽ được phát tối đa công suất và bán được toàn bộ sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo.

Cơ chế hỗ trợ về giá điện: Sản lượng điện sản xuất từ nguồn thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, chất thải rắn được mua với giá cao hơn giá mua điện từ nguồn năng lượng truyền thống (thủy điện lớn, nhiên liệu hóa thạch). Các cơ chế, chính sách khuyến khích khác: Bên cạnh các ưu đãi như trên, các dự án năng lượng tái tạo còn được hưởng trợ giá đối với sản phẩm của dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM), hưởng ưu đãi về mức vốn cho vay, thời hạn cho vay, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước, miễn thuế bảo vệ môi trường,… theo quy định ưu đãi về thuế.

Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế tổ chức “Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2019”, diễn ra từ ngày 25 – 27/6/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn giới thiệu đến các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư các thông tin mới nhất liên quan đến lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo cũng như tạo cầu nối gắn kết giữa bên cung và bên cầu công nghệ thông qua hoạt động triển lãm và các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ.

Theo tapchicongthuong.vn