15/02/2018

Phát triển cụm công nghiệp: Nghệ An đề xuất nới quyền tự chủ

Nhằm chủ động trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) tại địa phương, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã đề xuất giao quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm trên cơ sở quy định của pháp luật về việc điều chỉnh, bổ sung quy mô CCN.
ptccnna
Nghệ An định hướng tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp
Nghệ An hiện có 39 CCN đã thực hiện các bước đầu tư, trong đó có 10 cụm đã lấp đầy. Hạ tầng trong và ngoài các CCN đã được tỉnh quan tâm đầu tư với tổng vốn trên 942,6 tỷ đồng. Ngoài hệ thống đường giao thông vào CCN khá hoàn chỉnh, Nghệ An đã có 8/18 CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đây là một trong những điểm nhấn phát triển CCN của tỉnh.
Do có sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được trên 231 dự án đầu tư thứ cấp, chủ yếu là của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn đầu tư đạt 2.128 tỷ đồng (bình quân 9,5 tỷ đồng/doanh nghiệp). Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN đạt xấp xỉ 3.480 tỷ đồng/năm chiếm khoảng 9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Nghệ An, các CCN đã tạo sự thay đổi đáng kể trong thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp; tạo điều kiện và góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng và các nguồn lực sẵn có của từng địa phương; bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác quy hoạch thiếu khoa học, hoặc không tuân thủ quy hoạch được phê duyệt dẫn đến hệ thống hạ tầng, kỹ thuật trong CCN thiếu đồng bộ, chắp vá. Việc thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng CCN còn ít, chủ yếu từ ngân sách.
Tình trạng trên được nhận định do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CCN chưa đồng bộ, hiệu lực và tính thực tiễn chưa cao. Năng lực của các chủ đầu tư hạ tầng CCN yếu, nhất là năng lực về tài chính. Huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng từ các doanh nghiệp trong CCN thấp trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Nhu cầu đầu tư phát triển CCN nhiều về số lượng nhưng dàn trải, không có trình tự ưu tiên đầu tư do đó hiệu quả không cao.
Để khắc phục những hạn chế trên, trong những năm tới Nghệ An định hướng tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng CCN. Tỉnh cũng đã xây dựng nhiều giải pháp thực hiện định hướng trên, trong đó sẽ tiến hành khảo sát tình hình thực tế tại các CCN. Kịp thời hướng dẫn các chủ đầu tư hạ tầng CCN sớm hoàn thành hồ sơ thủ tục đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển CCN như: Hỗ trợ về vốn, đào tạo lao động, tạo nguồn nhân lực và các chính sách về đất đai.
Đại diện Sở Công Thương Nghệ An cũng đề nghị: Theo quy định khi điều chỉnh, bổ sung quy mô CCN cần phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương. Nội dung này nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố tự quyết định và chịu trách nhiệm trên cơ sở quy định của pháp luật. Trường hợp CCN có quy mô lớn, tính chất CCN ảnh hưởng đến liên kết vùng mới báo cáo xin ý kiến Bộ Công Thương trước khi quyết định. Các bộ, ngành Trung ương tăng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cho các địa phương có nguồn ngân sách khó khăn như Nghệ An, đặc biệt là ở các huyện miền núi.
Nghệ An đã xây dựng nhiều chính sách hấp dẫn về đất đai, vốn, đào tạo nghề cho người lao động… qua đó tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào các CCN trên địa bàn tỉnh.