29/06/2016

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: XU THẾ TẤT YẾU VÀ SỰ CẦN THIẾT ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (thuộc VCCI) vừa tổ chức hội nghị “Phát triển bền vững – xu thế tất yếu và sự cần thiết đối với doanh nghiệp”.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thời đại và đã trở nên phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt và hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực, các nhà đầu tư và làm hài lòng các cổ đông. Thông qua các hoạt động phát triển bền vững, doanh nghiệp còn cải thiện được năng suất và giảm chi phí thông qua việc bố trí tận dụng các nguồn lực và bảo tồn tài nguyên, giúp nâng cao năng suất của nhân viên và giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

ptbv

Trích “báo cáo phát triển bền vững năm 2015 – vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” của HVBL

Nhằm mục đích thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình thực tiễn tốt trong các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững giữa Chính phủ, các bộ ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VBCSD tổ chức hội nghị “phát triển bền vững – xu thế tất yếu và sự cần thiết đối với doanh nghiệp” vào ngày 22/09/2016 tại Hà Nội. Hội nghị quy tụ 100 đại biểu bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ban ngành và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, giải pháp tốt nhất về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh chính là việc hình thành các kế hoạch hành động từ trung ương đến địa phương, triển khai đồng bộ và phù hợp với các nội dung về nâng cao nhận thức; hoàn thiện thể chế; chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành, địa phương và doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và các giải pháp triển khai thực hiện theo kế hoạch cho giai đoạn 2016 – 2020. Ông đặc biệt đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nguồn đầu tư nhà nước và ODA như là chất xúc tác để thu hút, hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Để đạt được những mục tiêu đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nghiên cứu và xác định được một mô hình phát triển kinh tế thích hợp.

Với nhiều hoạt động điển hình ưu tú trong các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, ông Leo Evers, Tổng Giám đốc điều hành Nhà máy bia Heineken Việt Nam giới thiệu tại Hội nghị “Báo Cáo Phát Triển Bền Vững Năm 2015 – Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”. Đây là năm thứ hai Công ty TNHH Nhà Máy Bia HEINEKEN Việt Nam (HVBL) thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Ông Leo Evers chia sẻ: “Trong khi tiếp tục thực hiện các lĩnh vực trọng tâm của công ty theo đúng chiến lược phát triển bền vững của HEINEKEN toàn cầu, năm 2015 chúng tôi đã chủ động tổ chức đối thoại với các bên liên quan trong và ngoài công ty về những vấn đề trọng yếu và đã nhận được những phản hồi hữu ích cho lộ trình phát triển bền vững của công ty. Khi tiếp tục cuộc hành trình lâu dài “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”, để củng cố thêm quyết tâm kiên định, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ tất cả nhân viên và các bên liên quan của chúng tôi”.

Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, từ nhiều năm nay, công tác định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững luôn là một trong những nhiệm vụ mà VCCI đặt làm trọng tâm.

Năm 2010, được sự đồng ý của Chính phủ, VCCI đã cùng một số doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững thành lập Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD). Kể từ đó đến nay, VBCSD đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc thúc đẩy sự tham gia và phát huy vai trò tích cực của lực lượng doanh nghiệp trong công cuộc thực hiện phát triển bền vững của đất nước.

Hội đồng cũng trở thành cầu nối tin cậy giữa các cơ quan Chính phủ với khu vực doanh nghiệp, giúp tăng cường tiếng nói của khối doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, triển khai nhiều chính sách, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo DDDN.com.vn