05/12/2016

PHẢI XÓA BỎ “QUAN HỆ THÂN HỮU, ƯU ĐÃI NGẦM” TRONG KINH DOANH

Nói “không” với tiêu cực, xóa bỏ quan hệ thân hữu, ưu đãi ngầm trong kinh doanh là một trong một trong những những đề nghị mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với các doanh nghiệp – doanh nhân tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thủ tướng thăm hỏi các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ghi nhận nỗ lực vượt khó

Báo cáo tại Đại hội cho biết, qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội DNNVV Việt Nam với vai trò đại diện, đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp và giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền.

Với số lượng chiếm đa số (trên 97%), các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; trong đó đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30 % giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước; đã phát triển mạng lưới đến chi hội cấp quận, huyện và một số địa bàn còn phát triển đến cấp xã, phường và làng nghề.

Hiệp hội đã tham gia tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên và cộng đồng các doanh nghiệp tham gia các phong trào mang nhiều ý nghĩa do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

“Tôi ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng Hiệp hội đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, xứng đáng với những thành tích, kết quả công tác mà các đồng chí đã đạt được. Tôi cũng chúc mừng các đồng chí đã trúng cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội, do đồng chí Nguyễn Văn Thân, một doanh nhân thành đạt, là đại biểu Quốc hội, làm Chủ tịch Hội khóa 14”. – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội.

Ba vấn đề trọng tâm

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế. Tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với doanh nghiệp – doanh nhân ba vấn đề trọng tâm.

Thứ nhất, Đảng và Chính phủ đã, đang và sẽ làm gì để phát triển doanh nghiệp và Hiệp hội?

Theo Thủ tướng, điều cần làm đầu tiên và quan trọng nhất là thay đổi về tư duy và cách tiếp cận. Với một tinh thần mới, cách tư duy mới, Chính phủ đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp, trên cơ sở đó ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vừa qua.

“Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt-cấp”, lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi…” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý, giới doanh nghiệp – doanh nhân cần có sự thay đổi nhận thức một cách căn bản và sâu sắc, phải thực sự lấy kinh tế tư nhân là một động lực hết sức quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phải tạo ra một môi trường bình đẳng và minh bạch, DNNVV mới có đầy đủ cơ hội để phát triển và thành công. Môi trường kinh doanh bình đẳng không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn cần bình đẳng ngay trong mỗi khu vực, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường liêm chính, phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng: Quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm. Không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực. “Đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân “hãy nói không với tiêu cực”, thực hiện kinh doanh với tinh thần liêm chính”. – Thủ tướng nói.

Thứ hai, là một vài điểm gợi mở về hoạt động của doanh nghiệp và của Hiệp hội.

Về vai trò và vị thế của Hiệp hội, Thủ tướng khẳng định: “Hiệp hội là tổ chức thành lập trên cơ sở tham gia tự nguyện của các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau phát triển. Để đáp ứng môi trường và bối cảnh mới, Hiệp hội phải xác định luôn mang lại lợi ích chính đáng và thiết thực cho các thành viên chứ không phải là đơn thuần thu hội phí với các hoạt động nghèo nàn và bộ máy tổ chức nặng về hành chính sơ cứng”.

Chính vì vậy, Hiệp hội cần thực hiện tốt vai trò là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam. Tham gia sâu rộng hơn nữa cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Tương trợ lẫn nhau giải quyết khó khăn, vướng mắc để cùng phát triển. Các cấp từ Trung ương đến địa phương (huyện, xã) tạo mọi điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt là các DNNVV phát triển. Các ngân hàng thương mại tạo mọi điều kiện, mọi kênh vốn thuận lợi cho các doanh nghiệp này.

Về định hướng phát triển, Thủ tướng đã gợi mở 3 vấn đề để Hiệp hội trao đổi và đề ra chương trình hành động. Một là, chiếm lĩnh thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu và vươn ra biển lớn. Hai là, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu. Ba là, DNNVV góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn ở nước ta.

Thứ ba, doanh nghiệp – doanh nhân cần đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đặc trưng bởi công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Thiết bị di động trở thành công cụ trung tâm; công nghệ mô phỏng sinh học, hóa học xanh, sinh thái học công nghiệp, năng lượng tái sinh, công nghệ nano xanh sẽ phát triển mạnh và thay đổi cuộc sống con người. Dự báo nhiều sản phẩm hoàn toàn mới lạ sẽ xuất hiện trong 10 năm tới.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cơ bản vẫn đang ở giai đoạn của cách mạng công nghiệp lần thứ 2, chủ yếu là dây chuyền gia công lắp ráp. Ví dụ ngành dệt may, da giày, khai khoáng vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thấp. Ước tính chúng ta chỉ có chưa đến 0,1% doanh nghiệp khoa học công nghệ trong tổng số doanh nghiệp. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu trong khi tại Ấn Độ tỉ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%.

Vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để nâng cao năng lực của mình, để tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4? Đây chính là câu hỏi lớn mà Hiệp hội chúng ta cùng các thành viên cần đưa ra câu trả lời. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để tiếp cận cơ hội và đối phó với thách thức.

“Trong nhiệm kỳ 2016-2020, tôi đề nghị các đồng chí thảo luận kỹ chương trình hành động của mình. Hiệp hội DNNVV Việt Nam phải tiếp tục làm tốt vai trò người đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, tăng cường sâu sát cơ sở, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, của doanh nghiệp, phát hiện những nhân tố mới, đề xuất cải cách cơ chế chính sách tạo đột phá cho phát triển để tham mưu cho Đảng, Nhà nước của chúng ta”. – Thủ tướng đề nghị.

Theo DDDN.com.vn