Nước mắm Vạn Phần khẳng định thương hiệu qua 70 năm xây dựng và phát triển
Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần Diễn Châu tiền thân là Trạm hải sản Diễn Châu được thành lập từ năm 1947. Trải qua hơn 70 năm hoạt động, hiện nay công ty là một trong nhưng đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống uy tín. Sản phẩm nước mắm của Công ty nổi tiếng là nước mắm cốt Vạn Phần, nước mắm Hạ Thổ được chôn dưới đất 2 – 3 năm có độ đạm từ 32 độ trở lên, sóng sánh màu vàng cánh dán, hương vị đậm đà được người tiêu dùng ưa thích, được Cục sở hửu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và sử dụng mã vạch theo quy định của Quốc gia và Quốc tế, được Bộ Công nghiệp tặng Huy chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao. Năm 2019 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 có buổi tham quan, trao đổi về hiệu quả đầu tư đổi mới thiết bị của công ty
Xin chào Ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Vạn Phần, Diễn Châu ông có thể cho biết cơ duyên nào đưa ông gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống?
Từ năm 1987, tôi về công tác tại Công ty thủy sản Vạn Phần Diễn Châu ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Sau thời kỳ bao cấp, các doanh nghiệp trong ngành có sự cạnh tranh lớn, sản phẩm của công ty cũng chưa có chỗ đứng ổn định. Trong khi đó, nước mắm công nghiệp được pha chế từ các loại chất phụ gia lại được bày bán tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vừa muốn cải tiến nghề, nâng cao chất lượng và thương hiệu nước mắm Vạn Phần của địa phương, vừa muốn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn nên tôi vẫn bám trụ với công ty, học hỏi thêm để nâng tầm kỹ thuật chế biến, đồng thời tích cực làm thị trường… để đưa sản phẩm Nước mắm Vạn Phần trở thành một đặc sản của Nghệ An, có mặt khắp Việt Nam và một số thị trường nước ngoài.
Xin cảm ơn ông, ông có thể cho biết về quá trình hình thành và phát triển công ty được không?
Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần Diễn Châu tiền thân là Trạm Hải sản Diễn Châu được thành lập và hoạt động từ tháng 11 năm 1947. Trải qua nhiều lần thay đổi đến năm 2000 Công ty được cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty cổ phần thuỷ sản Diễn Châu theo Quyết định số 03/2000/QĐ-UB ngày 03/01/2000 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An. Từ tháng 12 năm 2006, tên gọi chính thức của công ty là Công ty cổ phần thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu.
Ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Diễn Châu
Để quảng bá sản phẩm cũng như khẳng định thương hiệu sản phẩm công ty mình đã có những giải pháp và chiến lược gì thưa ông?
Chế biến nước mắm truyền thống Vạn Phần, nguyên liệu đầu vào 100% là cá cơm sử dụng phải tươi, sạch và muối phải là loại đã được bảo quản lâu năm. Thời gian chế biến để cho ra nước mắm thành phẩm là 9-12 tháng, đối với nước mắm hạ thổ phải mất 3 năm. Khâu tiêu thụ sản phẩm là cầu nối quan trọng giữa sản xuất và tiêu dùng, Công ty đã xây dựng chiến lược marketing phù hợp, thu hút khách hàng tiềm năng, chiếm lĩnh thị trường. Với ngành chế biến thủy sản vấn đề an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất vì vậy năm 2016 Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ISO 22.000:2005; chuyển đổi quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất, đảm bảo cho sản xuất sản phẩm. Vì vậy sản phẩm sản xuất ra thị trường có chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch ngày càng tăng của người dân.
Máy chiết rót 8 đầu tại công ty cổ phần thủy sản Diễn Châu
Ông có thể cho biết hiện tại công ty mình đang sản xuất các dòng sản phẩm nào?
Công ty chế biến các sản phẩm chủ lực đa dạng có giá trị gia tăng từ nguyên liệu tại chỗ, nâng cao giá trị khai thác cho ngư dân và tạo thêm nghề mới cho lao động địa phương. Bên cạnh chú trọng củng cố thị trường nội địa với trên 300 đại lý trong nước và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu. Hiện nay sản phẩm chính mà công ty đang sản xuất gồm: Nước mắm cốt Vạn Phần, nước mắm đóng chai truyền thống Vạn Phần, nước mắm Hạ thổ Vạn Phần, nước mắm phục vụ đạo Hồi, mắm tôm Vạn Phần…. Sản phẩm của Công ty hiện nay chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia và một số nước vùng Trung Đông.
Để sản xuất ra những dòng sản phẩm nước mắm chất lượng ngoài khâu nguyên liệu đầu vào thì hệ thống máy móc đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, vậy ông có thê cho biết công ty mình đã đầu tư máy móc nào trong quá trình sản xuất không?
Như chúng ta đã biết, đa phần các công ty chế biến sản xuất nước mắm truyền thống các công đoạn chế biến và sản xuất chủ yếu là dùng phương pháp thủ công, tuy nhiên trước nhu cầu của thị trường ngày nay đòi hỏi các công ty phải thay đổi nhằm đáp ứng về chất lượng ngày càng cao và giá thành thấp nhất có thể. Mặc dù trong những năm vừa qua công ty đã đầu tư một số máy móc thay thế sản xuất thủ công, tuy nhiên các thiết bị máy móc công ty đã đầu tư đến thời điểm này đều đã cũ và lạc hậu. Để đáp ứng điều đó không còn con đường nào khác là chúng ta phải thay đổi phương thức sản xuất, cụ thể công đoạn nào đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến để thay thế dần phương thức sản xuất thủ công thì phải xây dựng được kế hoạch đầu tư mua sắm máy móc thiết bị. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư đổi mới công nghệ, năm 2018 Công ty CP thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu. đã xây dựng kế hoạch mua sắm một số thiết bị máy mới, trong quá trình đầu tư chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ Công ty đã đầu tư mua mới máy chiết rót 8 đầu vòi và máy đóng nút chai tự động, với hệ thống máy mới mà công ty đã áp dụng giúp công ty chủ động trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng năng suất gấp 10 lần so với thiết bị cũ mà công ty đang sử dụng.
Xin cảm ơn ông. Chúc công ty ngày càng phát triển!
Một số thành tích tiêu biểu Công ty cổ phần Thủy Sản Vạn Phần Diễn Châu đạt được:
– Cúp Vàng thủy sản Việt Nam lần thứ nhất năm 2009; lần thứ 2 năm 2011.
– Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận năm 2015.
– Thủ tướng Chính phủ tặng Giải Bạc chất lượng Quốc gia năm 2015.
– Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba năm 2017….
Thực hiện: Kim Thanh – Phòng HC-TH
Ảnh: Đặng Mận
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024