Ninh Bình: Nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác khuyến công
Hoạt động khuyến công tỉnh Ninh Bình được triển khai đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho lao động
Theo báo cáo của Sở Công Thương Ninh Bình, thông qua nhiều giải pháp, hoạt động khuyến công của tỉnh Ninh Bình đã được triển khai đồng bộ với hệ thống văn bản quản lý về hoạt động khuyến công tương đối hoàn thiện. Công tác phối kết hợp trong tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đã động viên và huy động được nhiều nguồn lực tham gia, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhất là trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, số ca nhiễm tại cộng đồng tăng nhanh, phát sinh nhiều ổ dịch; bên cạnh đó tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất bị gián đoạn, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp của tỉnh Ninh Bình.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị khuyến công 28 tỉnh, thành phố tổ chức tại Thanh Hóa ngày 22/9
Song với sự chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, do đó ngành công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp (chỉ số IIP) năm 2021 toàn tỉnh Ninh Bình tăng 5,83%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 100.105,3 tỷ đồng, vượt 3,8% kế hoạch năm và tăng 6,9% so với năm 2020; 9 tháng đầu năm 2022 chỉ số IIP toàn tỉnh ước tính tăng 2,1% so với cùng kỳ; tính theo giá so sánh 2010: Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước đạt 73.128 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 67% kế hoạch năm.
Có thể nói, hoạt động khuyến công của tỉnh Ninh Bình đã được triển khai đồng bộ, tác động tích cực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho lao động tại địa phương. Định hướng hoạt động khuyến công có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Xây dựng các đề án điểm, chỉ đạo Trung tâm Khuyến công về công tác khuyến công, kiện toàn tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động cơ sở vật chất cho đơn vị thực hiện.
Tuy nhiên, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bản tỉnh Ninh Bình chủ yếu là doanh nghiệp, hộ kinh doanh quy mô sản xuất nhỏ, số lao động dưới 10 người, có nhu cầu đầu tư máy móc tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng năng lực tài chính có hạn không đảm bảo nguồn kinh phí đối ứng, khó khăn nhất là nếu hỗ trợ trên 30% kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương thì phải thực hiện mua bán thiết bị theo Luật Đấu thầu nên không triển khai thực hiện được đề án.
Gian hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình trưng bày tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại tỉnh Thanh Hóa
Để nâng cao hiệu quả của công tác khuyến công, ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho hay: Thời gian tới, Ninh Bình sẽ chú trọng các giải pháp như: Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hàng năm đảm bảo đúng nội dung, tiến độ, phù hợp với chương trình khuyến công giai đoạn đã được phê duyệt.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án khuyến công theo đúng nội dung, tiến độ và sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công; Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, xây dựng chương trình và dành thời lượng phát sóng cần thiết để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về khuyến công của nhà nước, các cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động có hiệu quả sau khi được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Ngoài ra, Sở Công Thương Ninh Bình sẽ chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh cho phù hợp với các văn bản pháp luật của Nhà nước; bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn vướng mắc, nhu cầu đầu tư đổi mới máy móc thiết bị để lựa chọn hỗ trợ kịp thời; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khuyến công theo hướng tăng cường công tác quản lý nhưng cũng giảm bớt thủ tục hành chính cho các cơ sở được lựa chọn tham gia hoạt động khuyến công; đấy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia