Nhiều cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ
Hiện Việt Nam có khoảng 3.300 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trong đó, 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày. Các DN CNHT đang tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất linh kiện kim loại và sản xuất linh kiện điện tử.
Doanh nghiệp FDI muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Đánh giá của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy, năm 2017, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại chỗ của DN Nhật Bản tại Việt Nam là rất lớn. Khoảng 80% DN được khảo sát gần đây cho biết, sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như giảm chi phí nhập khẩu linh kiện.
Từ thực tế trên, JETRO đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ DN CNHT Việt Nam phát triển như lập danh sách các nhà cung cấp của Việt Nam thuộc các lĩnh vực CNHT, bao gồm: Gia công kim loại, khuôn đúc, khuôn nhựa, linh kiện điện tử, xử lý bề mặt… để tìm hiểu và kết nối cung-cầu với các DN Nhật Bản.
Ông Takimoto Koji – Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh – cho biết: Nhiều DN mua hàng Nhật Bản và nhà cung cấp Việt Nam đã tham gia giới thiệu sản phẩm và tìm hiểu cơ hội hợp tác CNHT. Nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết, đáp ứng nhu cầu của DN cả hai phía.
Cùng với sự hỗ trợ, hợp tác từ JETRO, Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) cũng đang triển khai các dự án thí điểm hỗ trợ ngành CNHT của Việt Nam. Theo đó, có 5 DN tại phía Bắc và 5 DN tại phía Nam trong lĩnh vực CNHT về ôtô và điện, điện tử như linh kiện ôtô, phụ tùng xe hai bánh, thiết bị chiếu sáng và đang hợp tác kinh doanh với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ được hỗ trợ, tư vấn về quản lý sản xuất, bán hàng tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý tài chính… Chuyên gia từ JICA cho biết, thời gian tới, với mong muốn hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, những DN Việt Nam có mục tiêu, có nguyện vọng hợp tác với DN Nhật Bản sẽ tiếp tục được JICA hỗ trợ cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh để có thể đáp ứng tốt cho các nhà thu mua nước ngoài.
Mới đây, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB), triển khai Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp của Việt Nam. Theo đó, WB tập trung giải pháp hỗ trợ với mục tiêu nâng cao năng lực của các DN Việt Nam, đáp ứng yêu cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI ngay tại thị trường nội địa. Chương trình hợp tác đào tạo này dự kiến kéo dài trong 2 năm (2018- 2019), đào tạo khoảng 45 DN hoạt động trong 4 lĩnh vực là ôtô, điện tử, năng lượng và hàng gia dụng…
Nhằm cụ thể hóa chương trình này, đã có 45 DN CNHT của Việt Nam và 8 DN FDI “bắt tay” hợp tác. Theo đó, các DN FDI sẽ cử chuyên gia sang hỗ trợ DN nội cải thiện quy trình, năng lực sản xuất, từng bước đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cho hệ thống chuỗi của các tập đoàn. Đây cũng là cơ sở bền vững để DN trong nước chuyển đổi, nâng cao năng lực của các DN Việt Nam, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội cho các DN CNHT Việt nam có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo kinhtevn.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH