10/12/2023

Nguồn kinh phí khuyến công tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển

May mặc là ngành có nhu cầu lao động cao, cũng là ngành dễ dàng giải quyết và thu hút việc làm cho người lao động đặc biệt lao động xuất phát từ nông thôn. Hiện nay nhà nước đã, đang khuyến khích và ban hành các chính sách khuyến khích thúc đẩy việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất cho khu vực nông thôn nhằm mục đích tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động; từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế và lao động ở khu vực. Đây cũng chính là yếu tố đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Việc ứng dụng công nghệ mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đa dạng hoá các loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hoạt động khuyến công với việc hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (cơ sở CNNT) ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đã và đang giúp cho nhiều cơ sở phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng hơn thị trường tiêu thụ.Thời gian qua, hoạt động khuyến công do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển công nghiệp. Thông qua hoạt động khuyến công hỗ trợ các nội udng về xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, giúp các cơ sở CNNT tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng mẫu mã để xuất khẩu.

Hiện nay, số lượng cơ sở CNNT tham gia ngành may mặc đang ngày càng tăng, vì vậy việc triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở CNNT bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là điều hết sức cần thiết. Là một trong những đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023, với kinh phí được hỗ trợ là 288 triệu đồng, Công ty TNHH Tal Fashion, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã đầu tư 01 máy thêu vi tính vào quy trình sản xuất, nhằm thay thế lao động thủ công, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi. Qua thời gian lắp đặt, vận hành sản xuất thử và hiệu chỉnh máy, đào tạo lao động vận hành máy, đến nay máy móc thiết bị hoạt động ổn định, công nhân vận hành máy đã làm quen với thiết bị mới và sử dụng thiết bị thuần thục.

nguonvonkc1

Thiết bị máy thêu vi tính được hỗ trợ từ nguồn kinh phí KCQG năm 2023

Bà Phạm Hải Ly, Giám đốc Công ty TNHH Tal Fashion chia sẻ: Việc đầu tư máy móc vào sử dụng sản xuất đã giúp Công ty chủ động trong sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, khắc phục được những hạn chế về năng suất, chất lượng sản phẩm so với hệ thống máy cũ; cập nhật nhiều mẫu thêu mới để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn; nếu như trước đây, các công cụ thêu máy thủ công chỉ cho ra được số lượng sản phẩm giới hạn, thì với máy thêu vi tính mới đầu tư, sẽ tạo ra các sản phẩm thêu hàng loạt với độ chính xác cao; các mẫu thêu tinh vi và chi tiết, phức tạp hơn, tiết kiệm thời gian, ít bị lỗi và tinh xảo đến từng đường nét, đồng nhất về mẫu mã. Do đó đã giảm khoảng 05 lao động tại công đoạn này, số lao động dư thừa công ty bố trí vào các chuyền may sản phẩm”.

Cũng với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 hỗ trợ là 288 triệu đồng, chiếm khoảng 45% so với tổng vốn đầu tư máy móc thiết bị. Ông Nguyễn Minh Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Tùng Anh, xã An Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã đầu tư máy lập trình tự động; máy thùa khuy đầu tròn tự động; máy đính bọ điện tử. Những thiết bị mới có nhiều ưu điểm như giảm thiểu thời gian và công sức may của người thợ, giúp hạn chế các chi tiết bị lỗi so với may thường. Đảm bảo sản phẩm sau khi may ra độ chính xác và hạn chế các lỗi may sai lệch, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường làm việc cho công nhân. Máy móc thiết bị đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy trong các khâu sản xuất sản phẩm.

nguonvonkc2 

Nghiệm thu cơ sở đề án KCQG tại Công ty TNHH may xuất khẩu Tùng Anh

Với thị trường ngày càng phát triển thì yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm ngày càng cao cả về chất lượng và mẫu mã. Để có thể thích nghi và đáp ứng được thị trường thì đổi mới là điều tất yếu. Có thể thấy, các đơn vị được hỗ trợ trên đã có những hiệu quả tích cực trong sản xuất. Ngoài nội lực của mỗi cơ sở CNNT thì nguồn kinh phí khuyến công đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư máy móc trang thiết bị mới trong sản xuất, giúp các cơ sở nâng cao được ý thức thực hành tiết kiệm năng lượng đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến chất lượng mẫu mã sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách. Chương trình khuyến công đã đồng hành cùng các cơ sở CNNT một cách thiết thực và hiệu quả, đây là bước đệm cho việc doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra thêm nhiều sản phẩm đạt chất lượng, cung ứng cho thị trường.

 Thực hiện: Kim Thanh

  Ảnh: Phan Giang