Người góp phần lan tỏa hương thơm “Đệ nhất danh trà”
Sinh ra ở vùng lõi “Đệ nhất danh trà” và được làm trà từ thuở nhỏ, doanh nhân Hoàng Thị Tân – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tâm Trà Thái (xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, Tp. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) luôn mong ước nâng cao giá trị và hiệu quả của cây chè để tăng thu nhập cho người trồng tại địa phương.
Doanh nhân Hoàng Thị Tân thu hoạch trà tại vùng nguyên liệu
Sau nhiều năm cố gắng, cũng như áp dụng phương pháp sản xuất công phu, chất lượng sản phẩm vượt trội, đến nay, các sản phẩm trà của Tâm Trà Thái đã dần khẳng định được tên tuổi, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Cảm giác thật thư thái khi được ngồi giữa vùng lõi “Đệ nhất danh trà”, vừa nhâm nhi chén trà đặc sản thơm ngát, vừa lắng nghe Giám đốc HTX Tâm Trà Thái giới thiệu về cách thức, quy trình trồng, chăm bón, thu hoạch, chế biến, bảo quản trà và giãi bày mong ước giữ vững nghề truyền thống làm trà…
“Nhờ được sự chỉ dẫn từ ba mẹ, nên ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã thuộc làu cách thức làm trà. Trước đây, quá trình sản xuất hoàn toàn thủ công từ khâu phơi héo, vò chè bằng tay, sao chè bằng chảo gang truyền thống, đến khi sấy chè cũng dùng sức người quay thủ công là chính. Trong quá trình làm, tôi đã thấm thía sâu sắc được những nỗi vất vả, nhọc nhằn của nghề làm trà…” – doanh nhân Hoàng Thị Tân – Giám đốc HTX Tâm Trà Thái chia sẻ.
Chính từ những nỗi vất vả đó, doanh nhân Hoàng Thị Tân luôn nung nấu quyết tâm phải làm điều gì đó để thay đổi phương thức sản xuất trà. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh và trải qua một thời gian hoạt động, đến năm 2018, cơ sở sản xuất của bà Tân chính thức chuyển sang mô hình HTX. Hiện nay, HTX Tâm Trà Thái đang khai thác hơn 11ha chè và dự kiến tăng lên 29ha áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong vòng 03 năm tới (liên kết với bà con nông dân làm chè hữu cơ ở 03 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu).
Đầu năm 2022 này, với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm trà làm ra để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và hướng tới mở rộng xuất khẩu, dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Hoàng Thị Tân, HTX Tâm Trà Thái đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất, cũng như đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất. Tuy nhiên, với số vốn đầu tư lớn nên HTX đã rất khó khăn trong việc xoay xở tài chính.
Thấu hiểu được những khó khăn của các cơ sở, doanh nghiệp, đồng thời thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Trung tâm) đã quyết định thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến lâm sản” cho HTX Tâm Trà Thái. Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khyến công, Trung tâm mong muốn sẽ khuyến khích Đơn vị phát triển, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương. Đồng thời, góp phần gìn giữ, cũng như lan tỏa hương thơm “Đệ nhất danh trà”.
Sản phẩm chè của HTX Tâm Trà Thái đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường
Tổng nguồn vốn kinh phí đầu tư, mua sắm hệ thống: Máy đóng gói hút chân không (Model AA-1308); Máy xào gas (Model DM30); Máy đóng gói trà tự động (Model MPA-215) là hơn 650 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ hơn 290 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022. Sau khi ứng dụng hệ thống máy móc mới, hiệu quả đem lại cho HTX Tâm Trà Thái là rất lớn.
“Hệ thống máy móc hiện đại do Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ đã giúp HTX chúng tôi đóng gói được nhiều loại túi có trọng lượng, kích cỡ khác nhau và tối đa có thể lên tới 30kg; Giúp thời gian bảo quản sản phẩm trà lên tới 02 năm. Ngoài ra, đối với việc ứng dụng máy xào gas đã giúp các sản phẩm trà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do hạn chế được khói bụi, gỉ sét. Từ đó, giúp nước chè xanh và thơm hơn; Năng suất, cũng như chất lượng tăng lên gấp nhiều lần so với các loại máy xào truyền thống. Đặc biệt, thời gian sử dụng máy đạt trên 10 năm và áp dụng được hầu hết trong các công đoạn xào chè, phù hợp với quy mô sản xuất lớn. Còn riêng với máy đóng gói trà tự động đã giúp HTX đóng gói các sản phẩm trà có trọng lượng từ 3 – 30g; Máy được điều khiển bằng màn hình cảm ứng, thao tác đơn giản, thuận tiện; Tốc độ cấp liệu, hút chân không nhanh, trọng lượng định lượng được cân điện tử đo với độ chính xác cao. Qua đó, đã gia tăng năng suất và sản phẩm trà làm ra có chất lượng vượt trội”…, doanh nhân Hoàng Thị Tân – Giám đốc HTX Tâm Trà Thái khẳng định.
Chia sẻ về tính hiệu quả của đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên cho biết: Thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến công, năm 2022 này, Trung tâm đã thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến lâm sản” cho HTX Tâm Trà Thái. Thông qua sự hỗ trợ này, đến nay, HTX đã hoàn thiện hệ thống máy móc trong quy trình sản xuất, chế biến chè và đang có những bước phát triển tích cực. Các sản phẩm của Đơn vị làm ra đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm và được đông đảo khách hàng tin dùng, đón nhận. Đặc biệt, với công suất hoạt động ổn định, hàng năm sẽ đem lại lợi nhuận cao cho HTX, cũng như đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Bên cạnh đó, nhờ sức tiêu thụ của thị trường tăng mạnh nên HTX Tâm Trà Thái đã có điều kiện thu gom một lượng lớn trà xanh từ người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, mở rộng diện tích đất trồng chè tại địa phương.
Được biết, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất và chế biến trà cho HTX Tâm Trà Thái chỉ là một trong nhiều đề án mà Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã triển khai trong kế hoạch khuyến công năm 2022. Trước đó, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến chè cho các đơn vị như: Công ty CP Nông sản Thái Nguyên (xã Tân Cương, Tp Thái Nguyên); Tổ hợp tác Chè xóm Cầu Mai (xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ); Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ xóm Khe Cốc (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương)… đã hoàn thành. Theo đánh giá của các đơn vị được thụ hưởng, sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các đề án đều góp phần phát triển ngành sản xuất công nghiệp chế biến chè và thúc đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
Kết nối tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
NGÀY 24/10/2024 KHAI MẠC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TIÊU BIỂU NĂM 2024
Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia