29/09/2016

Nghệ nhân ưu tú Dương Bá Tân: Đưa niềm đam mê vào nghề truyền thống

Được mệnh danh là “bàn tay vàng” của làng nghề đúc đồng truyền thống thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nghệ nhân Dương Bá Tân chia sẻ: Điều quan trọng và khó khăn đối với người thợ đúc đồng là làm được những sản phẩm sinh động, có hồn, muốn vậy trước hết phải yêu nghề, thổi nhiệt huyết, niềm đam mê của mình vào sản phẩm.
nghe nhan uu tu20160928092205.5635470
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê có truyền thống làm nghề đúc đồng, được dìu dắt bởi chính ông, cha mình, nghệ nhân trẻ Dương Bá Tân tiếp xúc với nghề từ thời còn để chỏm. Sau nhiều năm gắn bó, anh đã được biết đến với hàng loạt sản phẩm nổi tiếng như: Đỉnh Thất lân vờn cầu khảm tam khí cao 150cm đặt tại Bảo tàng Công an nhân dân thuộc Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương; mai vàng bằng chất liệu đồng đỏ, hoa đồng vàng, cao 70cm; tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 360cm và 320cm đặt tại Khu di tích lịch sử liên khu V (Quảng Nam), Khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc tại tỉnh Cà Mau; quả chuông nặng 1.500kg tại Phủ Dầy (Nam Định)….
Năm 1990, nghệ nhân thành lập một cơ sở nhỏ lẻ tinh luyện nguyên liệu vụn, đúc đồng với sản phẩm chủ yếu là đồ thờ cúng và đồ mỹ nghệ; năm 2000 thành lập doanh nghiệp tư nhân cơ khí đúc đồng Tân Tiến. Sau những ngày khởi nghiệp gian nan, Tân Tiến đã trở thành doanh nghiệp tiếng tăm tại thị trấn Lâm. Sản phẩm đồ đồng giả cổ của công ty đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh việc trăn trở, sáng tạo để hun đúc nên những sản phẩm để đời, nghệ nhân Dương Bá Tân còn luôn quan tâm đến cuộc sống của công nhân, đảm bảo tất cả các chế độ từ tiền lương đến bảo hộ và các chế độ khác cho người lao động. Anh cũng luôn quan tâm đến vấn đề môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh cơ sở đúc đồng.
Nói về bí quyết thành công, nghệ nhân Dương Bá Tân khá khiêm tốn: Tôi may mắn sinh ra tại đất nghề, lại được chỉ dạy chu đáo, chỉ muốn đem hết tâm huyết, sức lực của mình để vực dậy và phát huy nghề truyền thống, làm giàu cho chính mình và cho quê hương. Điều quan trọng và khó khăn đối với người thợ đúc đồng là làm được những sản phẩm sinh động, có hồn, muốn vậy trước hết phải yêu nghề, thổi nhiệt huyết, niềm đam mê của mình vào sản phẩm.
Kỹ thuật đúc đồng truyền thống rất phức tạp, tỉ mỉ và phải dựa vào hai bàn tay, con mắt và kinh nghiệm. Để có sản phẩm đạt chất lượng, khâu đầu tiên là phải làm mẫu tốt, khuôn tốt. Khuôn đúc đồng có 3 loại: Khuôn hầm, khuôn bền và khuôn mở được làm từ đất sét đen và một số loại phụ gia khác như: Trấu, bột than, giấy dó…. Trước khi đúc phải nung khuôn và rót đồng sao cho chảy đều và nhiệt độ vừa đủ. Khi làm khuôn đất phải có độ co cho phép, yêu cầu này phải chuẩn xác đến từng chi tiết, nếu không sản phẩm sẽ bị rỗ, hỏng.
Cái khó nữa là sản phẩm sau khi được hoàn thiện phải giữ được thần, khí của pho tượng. Điều đó đòi hỏi nghệ nhân phải có năng khiếu về cả hội họa, tạo hình, điêu khắc với kỹ năng nghề nghiệp cao mới có thể tạo ra sản phẩm như mong muốn. Đặc biệt, việc làm nhẵn, bóng bề mặt và làm mầu cho sản phẩm để bảo quản thời gian dài cũng phải dựa trên những bí quyết, kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác.
Và thực tế, niềm đam mê nghề đã giúp nghệ nhân Dương Bá Tân đạt được hàng loạt giải thưởng lớn như: Huy chương vàng Sản phẩm công nghệ mới năm 2003; Quả cầu vàng Tinh hoa Việt Nam năm 2003; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2006; Huy chương vàng Hội chợ triển lãm Huế năm 2009; Bàn tay vàng do Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng và nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành.
Năm 2016, anh Dương Bá Tân đã được Bộ Công Thương xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Anh khá tự hào khi chia sẻ về niềm vinh dự này: Là một nghệ nhân trẻ và là một trong 2 người con của Nam Định được phong tặng đợt này, tôi lấy làm vinh dự nhưng cũng thấy mình càng phải có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị truyền thống. Tôi coi đây như nguồn động viên, tiếp sức kịp thời để có thêm động lực tiếp tục trau dồi, học hỏi tạo ra những sản phẩm ngày một tốt hơn, đẹp hơn, giàu giá trị nhân văn hơn. Đồng thời góp sức nhỏ bé của mình truyền dạy và xây dựng làng nghề phát triển bền vững.
Theo Ven.vn