28/02/2018
Hình thành và nổi tiếng từ rất sớm, nghề sơn son thếp vàng ở Kiêu Kỵ(Gia Lâm – Hà Nội) đã trải qua nhiều thăng trầm có lúc tưởng chừng như đứt nghề. Thế nhưng nhờ có sự nhiệt huyết của những nghệ nhân như Lê Bá Chung, nghề truyền thống này đã dần hồi sinh và phát triển.
Nghệ nhân Lê Bá Chung giới thiệu sản phẩm dát vàng Kiêu Kỵ
Không để làng nghề mai một
Hẹn gặp chúng tôi trong khuôn viên nhà Tràng còn được gọi là nhà thờ Tổ nghề của làng nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, Nghệ nhân Lê Bá Chung kể cho chúng tôi nghe về những bước thăng trầm của một làng nghề truyền thống với bề dày trên 300 năm, cũng như cái nghiệp nghề gắn chặt với ông.
Lớn lên trong gia đình có 3 đời làm nghề sơn son thếp vàng, ngọn lửa nghề đã được truyền lại và hun đúc trong ông. Năm 1981, sau khi rời khỏi quân ngũ, ông trở về địa phương và chọn nghề gia truyền để gây dựng kinh tế. Tuy nhiên, sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nghề làm vàng quỳ gần như mai một. Dân làng chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da. Khó khăn nhất đối với làng nghề là vào năm 1986 – 1987, làng nghề tưởng chừng như mai một trong làng chỉ còn 3-4 gia đình theo nghề.
Với quyết tâm không để cái nghề truyền thống đã gắn bó bao đời bị “mai một”, ông rong ruổi khắp các làng nghề làm đồ sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, Nam Định), làng gỗ Hải Minh (Nam Định), làng nghề tạc tượng Bảo Hà (Hải Phòng)… để tìm đầu ra cho sản phẩm. Hành trình đi tìm thị trường của ông gặp không ít khó khăn vì phương tiện di chuyển hạn chế, đường xá cũng không được như bây giờ. Nhưng “trời không phụ lòng người”, sau 5 năm khó khăn, làng nghề bắt đầu phát triển trở lại, khách hàng tìm đến để đặt mua sản phẩm ngày một nhiều lên, người dân trong làng cũng đã quay lại với nghề, nhiều người tìm đến học nghề…
Bước ngoặt của làng nghề đó là vào năm 2003, được sự động viên của các nghệ nhân trong nghề, Lê Bá Chung quyết định khôi phục và phát triển nghề sơn son thếp vàng tới sản phẩm cuối cùng. Ông Chung cho hay, sơn cầm thếp vàng, thếp bạc kiêng kị nhất thời tiết gió tây và phát hanh. Để có sản phẩm không bị rạn vỡ phụ thuộc hoàn toàn kinh nghiệm của người thợ.
Hái trái ngọt
Sau nhiều năm phục hồi và phát triển, từ chỗ chỉ có 3-4 hộ làm quỳ đến nay đã có trên 60 hộ trong làng làm nghề quỳ vàng bạc. Một số hộ đã đưa người đi làm quỳ tại các nơi có nhu cầu như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, thậm chí cả ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam. “Ở đâu có tiếng đập quỳ, hỏi ra thì đó đều là con cháu của làng nghề Kiêu Kỵ cả” – ông Chung tự hào kể.
Sau 37 năm gắn bó với nghề và sau 14 năm làm nghề sơn thếp vàng mỹ nghệ, đến nay, tiếng tăm của nghệ nhân Lê Bá Chung đã vang khắp trong Nam ngoài Bắc. Với nhiều đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn bảo tồn và phát huy được giá trị của làng nghề truyền thống và phát triển nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ. Năm 2004, ông đã được UBND TP. Hà Nội xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân đầu tiên. Năm 2016, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Mới đây, ông được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017.
Giản dị và chân thật là những gì mà chúng tôi cảm nhận khi trò chuyện với nghệ nhân Lê Bá Chung. Trong câu chuyện của mình, ông nhắc đi nhắc lại chữ tâm, chữ tín là hết sức quan trọng. Khi tâm trong sáng, khi hết lòng với nghề thì ắt sẽ gặt được hoa thơm. Ánh mắt ông sáng bừng khi ngắm nhìn thế hệ trẻ đang tỉ mẩn, chau chuốt để tạo ra các sản phẩm tinh xảo nhất. Một thế hệ trẻ kế nghiệp cha ông, đây có lẽ là món quà tinh thần, là trái ngọt mà một nghệ nhân với 37 năm gắn bó với nghề nhận được.
Để đáp ứng thị trường, ông Chung đã mày mò nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành sản phẩm, thay nguyên liệu phụ trợ, máy móc hỗ trợ để giảm công đoạn sản xuất quỳ, từ trên 40 công đoạn nay còn hơn 20 công đoạn.
Theo BaoCongThuong.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH