25/07/2024

Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn

Trong thời gian qua, từ nguồn vốn khuyến công (KC), nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An được đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân.

ngheankcc1

Lớp học nghề dệt thổ cẩm tại huyện Con Cuông thuộc Chương trình KC Nghệ An

Có thể nói, chính sách KC của Nghệ An đã luôn đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp CNNT bắt nhịp với tình hình mới, hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị nâng cao năng lực sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, năm 2023, Bộ Công Thương đã bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện 03 đề án từ nguồn kinh phí KC quốc gia, với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.650 triệu đồng, bao gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến các sản phẩm từ cây sen cho Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ và Đầu tư Lộc Phát tại huyện Nam Đàn, kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm miến dong cho Doanh nghiệp tư nhân xứ Nghệ tại huyện Nghĩa Đàn, kinh phí 900 triệu đồng; Hỗ trợ dây chuyền công nghệ sục khí cho bánh Chiffon cho Công ty Cổ phần Thực phẩm 16 Food tại huyện Hưng Nguyên, kinh phí hỗ trợ 450 triệu đồng. Các đề án được tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo thời gian, tiến độ theo quy định.

Nghệ An đang chứng kiến những thay đổi ngoạn mục, từ một tỉnh với giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ khoảng 3.500 tỷ đồng vào năm 2000, thì đến năm 2023 giá trị đã lên tới 79.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 223 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 96 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, 26 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và 16 sản phẩm cấp quốc gia. Năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã đăng ký kế hoạch đề nghị Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương hỗ trợ thực hiện 02 đề án, hiện nay các đề án đang trong quá trình thẩm định, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, đề án gửi Cục Công Thương địa phương xem xét, hỗ trợ vào 6 tháng cuối năm 2024. Kinh phí KC địa phương được bố trí theo kế hoạch là 5.500 triệu đồng. Đến nay Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Tài chính thẩm định (đợt 1) 10 đề án trình UBND tỉnh phê duyệt phân bổ với tổng kinh phí hỗ trợ 1.239 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 22,53%).

Để hoàn thành kế hoạch năm 2024 và nâng cao hiệu quả hoạt động KC trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đề ra một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Công Thương địa phương và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An triển khai chương trình KC; tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện các đề án KC quốc gia và địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các đề án KC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách về KC giúp các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề sản xuất công nghiệp nắm bắt được các cơ chế chính sách hỗ trợ; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện có chất lượng và hiệu quả các đề án KC trên địa bàn; tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động KC cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác KC để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển công nghiệp trong tình hình mới.

Nguồn: https://www.congnghieptieudung.vn/