30/08/2021

Ngành Công Thương Thanh Hoá: Phấn đấu đạt doanh thu bán lẻ và dịch vụ đạt 265.000 tỷ đồng năm 2025

Cùng với việc huy động nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử đang được ngành Công Thương Thanh Hoá định hướng là nhiệm vụ trọng tâm. Phấn đấu nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2025 đạt 265.000 tỷ đồng.

Tích hợp đa tiện ích

Năm 2017, UBND tỉnh đã có Quyết định 177/QĐ-UBND về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng thương mại (HTTM) theo hướng hài hòa, đồng bộ giữa HTTM hiện đại và truyền thống, giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa hệ thống bán buôn và bán lẻ.

Để thực hiện nhiệm vụ đề ra, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh và các địa phương tăng cường xã hội hóa đầu tư, phát triển thương mại theo hướng đa dạng về loại hình thương nhân. Khuyến khích phát triển một số doanh nhân thương mại lớn, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại làm nòng cốt trong việc tổ chức thị trường và gắn kết giữa sản xuất với tiêu dùng.

Theo thống kê từ Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, hơn 100 cửa hàng đang hoạt động, đáp ứng tiêu chí loại hình kinh doanh siêu thị, 512 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, 303/388 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm (đạt 78%). Trong đó, có 229 chợ công bố hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại theo hướng xã hội hóa đã từng bước đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, sự hình thành các chuỗi phân phối, bán lẻ hiện đại do các doanh nghiệp (DN) đầu tư, như siêu thị Vinmart, siêu thị điện máy HC, siêu thị Pico, siêu thị Long Tơ, siêu thị A&S Mart Thọ Xương, siêu thị VinPro… và nhiều kênh phân phối bán lẻ văn minh, tích hợp nhiều tiện ích đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng.

thanhhoacongthuong1

Ngành Công Thương tỉnh cho biết, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ thúc đẩy và tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và trong cả nước.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Siêu thị A&S Mart, cho biết: Được thành lập năm 2014, với mong muốn xây dựng hệ thống chuỗi trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị bán lẻ tại Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung, công ty đã lựa chọn Khu Kinh tế Nghi Sơn và huyện Thọ Xuân để xây dựng 2 trung tâm siêu thị A&S Mart. Bởi đây là những địa phương có hệ thống giao thông thuận tiện, đời sống vật chất, tinh thần và sức tiêu dùng của người dân tương đối cao.

“Với mục tiêu trở thành chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng lớn, uy tín trên địa bàn tỉnh và là cầu nối đưa các sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín tiếp cận nhanh nhất với người tiêu dùng, Công ty CP Siêu thị A&S Mart đã và đang thực hiện các giải pháp mở rộng hệ thống, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng chính sách bán hàng cũng như tăng thêm các dịch vụ tiện ích phục vụ người tiêu dùng” – ông Tuấn thông tin.

Ông Hoàng Ngọc Hà, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển thương mại Thanh Hóa chia sẻ thêm: Tích hợp đa tiện ích tại một điểm mua sắm đang trở thành nhu cầu cần thiết của khách hàng. Do đó, khi công ty triển khai dự án cải tạo, chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh tại chợ Cầu Quan, xã Trung Chính (Nông Cống) đã xây dựng các gian hàng cho các tiểu thương và dự phòng không gian để các tổ chức, cá nhân thuê, triển khai xây dựng khu vui chơi trẻ em. Như vậy, thay vì mất thời gian cho việc đi chợ và đưa con đi chơi thì khách hàng có thể tích hợp “2 trong 1” khi đến những điểm kinh doanh thương mại được đầu tư hạ tầng đầu tư đồng bộ, văn minh.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử cũng được các DN trên địa bàn đẩy mạnh. Hiện, 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ qua phương tiện điện tử; 70% DN trên địa bàn sử dụng thư điện tử trong giao dịch và trao đổi thông tin; 50% DN có website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 35% DN tham gia website, thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; 10% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và kinh doanh.

“Nới” cơ chế, thu hút đầu tư

Thực tế cho thấy, tỉnh Thanh Hóa có nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu tư phát triển HTTM, như quỹ đất tại trung tâm thành phố, thị xã, trung tâm các huyện còn nhiều tiềm năng khai thác, sức mua của người dân ngày càng tăng và đã có thay đổi trong việc lựa chọn mua sắm. Vì vậy, những năm gần đây, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư một cách hiệu quả vào lĩnh vực HTTM như ưu tiên quỹ đất, ưu đãi về thuế, tín dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư khi gặp vướng mắc trong triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh, hiện nay, ngành Công Thương tỉnh đang tiếp tục định hướng phát triển thương mại – dịch vụ theo hướng hiện đại, gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất thời kỳ công nghiệp hóa và tiến trình hội nhập kinh tế của cả nước, gắn kết chặt chẽ việc sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân cùng nhu cầu xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa của DN. Trong đó, bên cạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, sẽ duy trì và đẩy mạnh xúc tiến thương mại; mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngành Công Thương cũng sẽ thúc đẩy và tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, trong nước; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng chế biến sâu, giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.

Ngoài ra, với mục tiêu phát triển thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại; khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như TTTM, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, máy bán hàng tự động… Tăng cường hỗ trợ vốn vay ưu đãi, liên kết thị trường và xúc tiến thương mại; huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện HTTM theo hướng văn minh, hiện đại… Phấn đấu nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt 17,6%/năm và đến năm 2025 đạt 265.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm giao thương năng động, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đề án, kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, cần sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện những giải pháp đồng bộ để nâng cấp, cải tạo mở rộng, xây mới và ổn định mạng lưới chợ theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh quy hoạch 465 chợ, 100% chợ khu vực thành phố, thị trấn các huyện được chuyển đổi mô hình quản lý; hình thành các TTTM tại các đô thị loại I, II, III; các siêu thị tại thị trấn của các huyện.

Nguồn: https://congthuong.vn/