Ngành Công Thương Quảng Ninh nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp
Tỉnh Quảng Ninh luôn sẵn sàng chào đón và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân.
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh tổ chức buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, cùng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, ngành Công Thương Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện những dịch vụ tiện ích, dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp; đồng thời nắm bắt, tìm hiểu thông tin từ các doanh nghiệp để công tác quản lý, điều hành và tham mưu hiệu quả hơn nhằm giúp địa phương cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 6 năm liên tiếp (từ 2017 – 2022) giữ vị trí Quán quân PCI và 10 năm liên tiếp (từ năm 2013 – 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất. Duy trì tính liên tục theo trật tự tuyến tính trên trục thời gian suốt 10 năm qua, chỉ số PCI của Quảng Ninh hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp. Ngành Công Thương Quảng Ninh bám sát chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVnhiệm kỳ 2020-2025, tham mưu cho tỉnh các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch thuộc lĩnh vực ngành quản lý; tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, công chức triển khai thực hiện; chủ động nắm bắt các khó khăn vướng mắc, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp
Ngành Công Thương Quảng Ninh thời gian qua đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm “Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch” phấn đấu đến năm 2030 đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh Dịch vụ – Công nghiệp hiện đại. Triển khai thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngành Công Thương đã phối hợp với các Sở ban ngành, địa phương thông tin các cơ chế chính sách; Đẩy nhanh tiến độ hạ tầng lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển ngành Công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao. Sau 03 năm triển khai Nghị quyết, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ngày các đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP đã tăng từ 9,8% năm 2020 lên 11,7% năm 2023; Tổng vốn đầu tư đã thu hút trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt xấp xỉ 160.820 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 4,620 tỷ USD; tạo ra việc làm mới cho 23.886 lao động.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 đã xác lập không gian phát triển Công nghiệp là nền tảng, tiền đề quan trọng giúp cho nhà đầu tư tiếp cận, quyết định đầu tư. Cùng với phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, ngành Công Thương Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; phục vụ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị; Phối hợp với các sở ngành địa phương đôn đốc, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị triển khai đảm bảo đúng tiến độ đã được phê duyệt; hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu hút nhà đầu tư thứ cấp hoạt động theo tính chất góp phần hình thành cơ cấu không gian phát triển công nghiệp, đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy lợi thế của mỗi địa phương trong tỉnh. Đến nay trêm địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng diện tích 11 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 577,55 ha, trong đó có 06 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 375,39 ha; 05 cụm công nghiệp đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã mang lại giá trị tích cực cho các địa phương trong công tác giải quyết việc làm, các vấn đề về môi trường đô thị; tiêu biểu như tại thành phố Uông Bí, cụm công nghiệp Phương Nam với diện tích quy hoạch trên 62ha, tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng là một trong những dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm của địa phương này. Ông Bùi Xuân Tờ, Tổng Giám đốc công ty CP công nghiệp Cẩm Thịnh, chủ đầu tư dự án cho biết, cụm công nghiệp Phương Nam được thành lập nhằm bố trí các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông – lâm – thủy sản,… trên địa bàn thành phố Uông Bí và vùng lân cận theo hướng chuẩn liên kết ngành, đa ngành.
Toàn thành phố Uông Bí hiện có 98 cơ sở tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động buộc phải di dời do không phù hợp quy định sử dụng đất, quy hoạch đô thị, không đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy… “Với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cụm công nghiệp Phương Nam đã đáp ứng được nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất, đồng thời cũng là điều kiện quan trọng để thành phố Uông Bí thu hút các dự án đầu tư mới, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo”, ông Bùi Xuân Tờ cho hay.
Đến nay cụm công nghiệp Phương Nam đã hoàn thành 100% hạng mục, với hệ thống giao thông, thu gom, xử lý nước thải, hạ tầng điện, nước phòng chống cháy, cây xanh, hàng rào… sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có các nhà đầu tư FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; góp phần cùng với tỉnh Quảng Ninh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa – đô thị hóa.
Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại
Ngành Công Thương bám sát tình hình thị trường, chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành Chỉ thị, kế hoạch về đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu (xăng dầu,…), bình ổn giá cả thị trường, an toàn thực phẩm. Tổ chức hội nghị thông tin cơ chế chính sách về các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường tiêu thụ, các chương trình xúc tiến Thương mại Quốc gia để các doanh nghiệp nắm bắt, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm bền vững (Kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh năm 2023 đạt 3,4 tỷ USD tăng 11,01% so với năm 2022). Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cấp tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, OCOP, đưa sản phẩm tới các kênh phân phối hiện đại trên toàn quốc, các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu. Đến nay, 346/346 sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá, kết nối tiêu thụ trên Sàn Thương mại điện tử của tỉnh;.
Những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của cộng động doanh nghiệp, đó là cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của nhân dân.
Công ty CP xuất khẩu thủy sản 2 Quảng Ninh (thị xã Quảng Yên) là doanh nghiệp nhiều năm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ mực ống sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông Hoàng Tiến Thành, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt trong việc hỗ trợ thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ nguồn gốc (C/O).
Theo ông Hoàng Tiến Thành, tỉnh Quảng Ninh đang trên đà phát triển nhanh về mọi mặt, mở rộng đối ngoại với nhiều tỉnh/thành trong nước và quốc tế. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển thị trường nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Với xuất khẩu thủy sản, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nước ngoài để kết nối các nhà nhập khẩu cho doanh nghiệp nội. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quy hoạch vùng nuôi trồng, nhất là khu vực nuôi thuỷ hải sản phải được cấp mã số nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc đầu vào. Ngành nông nghiệp phối hợp với ngành Công thương sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, hạn chế tình trạng bị trả lại hàng hoá và rủi ro xuất khẩu.
Theo Diendandoanhnghiep.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH