Ngành Công Thương Hà Nội với các giải pháp kích cầu kinh tế Thủ đô
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngành Công thương đã góp phần đáng kể vào việc kích cầu kinh tế Thủ đô Hà Nội.
Các hoạt động xúc tiến thương mại do Hà Nội tổ chức đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp trong việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu tới khách hàng Thủ đô và các tỉnh lân cận
“Gỡ rối” cho doanh nghiệp
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở Công thương đã kịp thời tham mưu nhiều giải pháp quan trọng nhằm giúp UBND TP Hà Nội kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Cụ thể, Sở đã hoàn thành công tác thẩm định, gia hạn tiến độ cho 9 CCN được thành lập trong giai đoạn 2018-2019 đã quá thời hạn đầu tư hạ tầng; đôn đốc, yêu cầu các huyện tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư các CCN khẩn trương hoàn thành các thủ tục, điều kiện để khởi công xây dựng công trình theo quy định và Kế hoạch của UBND Thành phố; phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Sở đã tổ chức khảo sát, thẩm định các DN có nhu cầu hoàn thiện, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, tiếp nhận 46 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực; hỗ trợ 25 doanh nghiệp lập hồ sơ theo bộ tiêu chí Chương trình đánh giá, xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2021; Tổ chức xét chọn 46 sản phẩm của 30 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tại phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội và trên trang thông tin điện tử Khuyến công Thành phố (khuyenconghanoi.gov.vn), trang thông tin điện tử Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (hanoigiftshow.vn); Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tiếp cận các sàn thương mại điện tử (Amazon, Esty, Alibaba…).
Tại Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ (12/2021) có 470 gian hàng của khoảng 300 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia, hơn 10.000 khách thăm quan, giao dịch theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô năm 2021 với gần 200 gian hàng của khoảng 100 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, kết nối khoảng gần 8.000 lượt khách hàng đến thăm quan và mua sắm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như triển lãm sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2021; 03 triển lãm chuyên đề thủ công mỹ nghệ tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô…
Đẩy mạnh liên kết thương mại
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho rằng, việc liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh các mặt hàng nông sản của Hà Nội tương đối đa dạng và nhu cầu của thị trường Hà Nội là rất lớn đối với các nông sản của địa phương khác.
Theo đó, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La… tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố (tổ chức thường niên) nhằm hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, thông tin, giới thiệu nguồn cung nông sản thực phẩm, trái cây mùa vụ, 2.000 sản phẩm OCOP của trên 24 tỉnh, thành phố có khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng dịch COVID-19 đến các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chế biến Hà Nội để hỗ trợ tiêu thụ; Thông tin, giới thiệu trên 2.000 sản phẩm OCOP của Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố đến các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, điểm bán sản phẩm OCOP Thành phố để nghiên cứu, kết nối, tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Ngoài ra, Thành phố còn tổ chức các sự kiện, như: Chương trình “Khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội” và “Tuần hàng Việt” năm 2022 (phát động ngày 28/4/2022); Chương trình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,…
Đối với việc đẩy mạnh liên kết thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Công thương đã phổ biến tài liệu giới thiệu về các hiệp định, cam kết thương mại quốc tế đến các Sở, ngành, quận, huyện và một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; Báo cáo tình hình hợp tác giữa thành phố Hà Nội với 20 quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Phillipine, Nga, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Đức và Hungary, Lào, Campuchia); gửi 03 văn bản đến các sở, ngành, doanh nghiệp Thông báo danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, có các biện pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp xuất khẩu về các chính sách mới của Nhà nước và các nước đối tác XNK, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Đặc biệt, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba, Esti và phát hành bản tin cung cấp thông tin về nhu cầu của thị trường ngoài nước.
Chú trọng cải cách thủ tục hành chính
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho TP Hà Nội, ngành Công thương luôn đề cao vai trò của người đứng đầu Sở trong việc nâng cao các chỉ số CCHC, chỉ số PCI.
Trong những năm qua, công tác CCHC của Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục được xác định là một những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Sở Công Thương đã tập trung chỉ đạo thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở; thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đặc biệt, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ đầu tư; cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh của Sở Công Thương Hà Nội (PCI). Đồng thời, tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số CCHC (PAR-INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của Thành phố Hà Nội (SIPAS).
CCHC trọng tâm là cải cách TTHC, đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục nhằm cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết TTHC. Tích cực triển khai ứng dụng, phát triển CNTT, tăng cường đề xuất tích hợp các TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, liên thông điện tử giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Bộ phận Một cửa đã và đang vận hành tốt việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết TTHC theo 03 hình thức: nộp trực tiếp; nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố, Cổng dịch vụ công Quốc gia và qua Hệ thống bưu chính công ích. Thực hiện nghiêm quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết. Đẩy mạnh ứng dụng Phần mềm một cửa điện tử dùng chung để nâng cao tính công khai, minh bạch và kiểm soát việc giải quyết TTHC của Sở Công thương Hà Nội. Tăng cường số lượng TTHC tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện các TTHC. 100% kết quả giải quyết TTHC được giải quyết đúng thời gian quy định, không có TTHC nào bị chậm muộn.
Thực hiện việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động được quán triệt, chỉ đạo, triển khai tới từng công chức, viên chức và người lao động qua tổ chức thi tuyên truyền quy tắc ứng xử, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị. Công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị nói chung và công chức liên quan đến lĩnh vực CCHC nói riêng luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong thực thi công vụ; thực hiện tốt Quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử, quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc…
Tin tưởng rằng, với các giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt của ngành Công Thương, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa Hà Nội vươn lên Top đầu của cả nước về năng lực điều hành chính quyền, hỗ trợ doanh nghiệp – bà Lan chia sẻ.
Nguồn: Diendandoanhnghiep.vn
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024