Ngành Công Thương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Bộ Công Thương hiện đang là cơ quan được Chính phủ giao triển khai 2 giải pháp quan trọng nhất góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp của Việt Nam, đó là sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo. Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ thực thi hai giải pháp này sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, chú trọng xây dựng và áp dụng nhằm thực hiện các cam kết của Quốc gia theo Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Bộ Công Thương hiện đang là cơ quan được Chính phủ giao triển khai 2 giải pháp quan trọng nhất góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp của Việt Nam, đó là sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo. Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ thực thi hai giải pháp này sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, chú trọng xây dựng và áp dụng nhằm thực hiện các cam kết của Quốc gia theo Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu
Về mặt khoa học, biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai, bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu trái đất được xem xét là quá trình “nóng lên toàn cầu” và quá trình tự nhiên này được xác định nguyên nhân là sự có mặt của các khí gây hiệu ứng nhà kính ngày càng nhiều làm gia tăng hiện tượng hiệu ứng nhà kính khí quyển Trái đất. Các chất, khí gây hiệu ứng nhà kính bao gồm Hơi nước, CO2, N2O, CH4, O3, SF6, HFCs và PFCs trong thành phần của khí quyển có khả năng hấp thụ bức xạ nhiệt từ Trái đất làm cho nhiệt độ khí quyển Trái đất tăng lên.
Nguyên nhân tự nhiên của quá trình nóng lên toàn cầu được xem là quá trình vận động tự nhiên của Trái đất trong hệ Mặt trời và đang trong thời kỳ băng tan kéo dài hàng triệu năm (quá trình khí quyển bề mặt Trái đất nóng dần lên). Nguyên nhân nhân tạo được xác định do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính gồm đốt cháy nhiên liệu hoá thạch trong hoạt động công nghiệp, năng lượng, giao thông,… các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác… Đặc biệt, dưới các tác động, nguyên nhân biến đổi khí hậu từ con người đã làm cho quá trình nóng lên toàn cầu tự nhiên trở nên nhanh hơn bao giờ hết và đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong Thế kỷ 21, trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
Biến đổi khí hậu được biểu hiện qua việc dịch chuyển của các đới khí hậu, gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan, thay đổi các dòng hải lưu và gây các tác động như gia tăng nhiệt độ khí quyển trái đất, thay đổi thành phần, chất lượng không khí, gây tan băng, dâng cao mực nước biển, ngập lụt, gây tác động đến các chu trình sinh địa hoá, cấu trúc và chức năng của nhiều hệ sinh thái, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và nghèo đói, an ninh năng lượng, nguồn nước và thương mại toàn cầu… Với hàng loạt các biểu hiệu và tác động tiêu cực đang diễn ra đòi hỏi tất cả các quốc gia cùng chung tay thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra, hướng tới sự phát triển bền vững toàn cầu trong tương lai.
Ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu được xác định thực hiện đồng thời hai giải pháp là Thích ứng và Giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Thích ứng là quá trình điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc hoạt động của con người cho phù hợp với hoàn cảnh, môi trường thay đổi nhằm giảm khả năng tổn thương do biến đổi khí hậu hoặc tận dụng cơ hội do nó mang lại. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu là các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm sử dụng đốt các dạng nhiên liệu hoá thạch trong cac nền kinh tế (dầu mỏ, than, khí đốt,…), gia tăng các bể hấp thụ, lưu giữ khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển (trồng rừng, công nghệ thu và giữ các-bon (CCS)…). Các giải pháp về thích ứng đã và đang được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản, giao thông, hạ tầng, quản lý sử dụng tài nguyên nước và phòng chống thiên tai,… còn các giải pháp đóng góp giảm phát thải khí nhà kính lại được tập trung trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, giao thông, lâm nghiệp và nông nghiệp.
Giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong hoạt động công nghiệp và năng lượng
Như chúng ta đều biết, việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch của nền kinh tế chính là việc giảm nhu cầu sử dụng năng lượng hoặc chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng từ hoá thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt) sang các năng lượng tái tạo khác.
Giảm như cầu sử dụng năng lượng chính là hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đây được xem là giải pháp quan trọng nhất với chi phí thấp nhất và đem lại hiệu quả cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào. Tất cả các giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, trong đó chủ yếu là năng lượng điện đều có thể triển khai tại tất cả các quá trình công nghiệp, công trình xây dựng, hoạt động giao thông và sinh hoạt tại các hộ gia đình,… từ dó góp phần giảm nhu cầu điện, năng lượng chủ yếu có nguồn gốc từ hoá thạch hiện nay (điện sản xuất từ than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên). Trong lĩnh vực công nghiệp, các giải pháp về cải tiến thiết bị nâng cao hiệu suất, thay đổi quy trình vận hành đều hướng tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi phí phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, đây chính là mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp mà chúng ta đang tích cực triển khai.
Chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng từ hoá thạch sang các dạng năng lượng tái tạo là việc phát triển, sử dụng các dạng năng lượng được coi là không phát thải khí nhà kính như thuỷ điện, năng lượng mặt trời, điện gió, sinh khối, khí sinh học, địa nhiệt, thuỷ triều, điện từ rác thải và năng lượng hạt nhân… Việc gia tăng tỷ lệ đóng góp sản lượng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng của mỗi quốc gia sẽ làm giảm tỷ lệ năng lượng hoá thạch tương ứng trong điều kiện tổng nhu cầu không đổi.
Ngành Công Thương thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu của Việt Nam
Trước hiện trạng và nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến sự phát triển bền vững của tất cả quốc gia, từ năm 1990 đến nay, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhằm hợp tác, hỗ trợ các quốc gia có thể thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và cùng nhau giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu kỳ vọng giữ cho nhiệt độ khí quyển Trái đất tăng không quá 2oC vào cuối thế kỷ này. Trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto là văn bản pháp lý quan trọng nhất với sự cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia phát triển trong 2 giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2005 – 2012 và giai đoạn II từ năm 2013 – 2020. Với mức cam kết cắt giảm phát khí nhà kính định lượng so với năm 1990 của giai đoạn I là trên 5% và giai đoạn II là trên 18% các Bên đã tích thực hiện thông qua ba cơ chế hỗ trợ là: Cơ chế đồng thực hiện (JI); Cơ chế phát triển sạch (CDM); và Cơ chế mua bán phát thải quốc tế (ET).
Trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020 và thực hiện nguyên tắc “trách nhiệm chung” của Công ước, tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước năm 2015 tại Paris (COP21), tất cả 196 Bên đã đạt được sự đồng thuận cho một văn bản pháp lý toàn cầu về cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu của tất cả các quốc gia cho giai đoạn từ 2021 – 2030: “Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu”. Sau khi ký Thoả thuận Paris ngày 22 tháng 4 năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2016 và có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 12 năm 2016. Tham gia Thoả thuận Paris, Việt Nam cam kết thực hiện đồng thời hai giải pháp về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu theo Báo cáo Đóng góp quốc gia tự thực hiện (NDC) của Việt Nam gửi Ban Thư ký UNFCCC năm 2015, trong đó về mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã cam kết tự thực hiện giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) vào trong giai đoạn 2021 – 2030 và có thể đạt 25% khi nhận được thêm nguồn lực hỗ trợ đầy đủ từ cộng đồng tế.
Theo Báo cáo cập nhật định kỳ hai năm lần thứ nhất (BUR1) năm 2014 của Việt Nam đã kiểm kê tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010 là 246,8 triệu tấn CO¬¬2 tương đương. Trong đó lĩnh vực năng lượng phát thải 141,1 triệu tấn CO¬2 tương đương 53%, dự báo đến năm 2020 sẽ tiếp tục tăng lên 381,1 triệu tấn, tương đương khoảng 81% và đến năm 2030 là 648,5 triệu tấn, tương đương khoảng 85% tổng lượng phát thải quốc gia. Phát thải trong lĩnh vực năng lượng ở đây bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch và tiêu thụ năng lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Theo tính toán, với mức đóng góp chính phát thải khí nhà kính của lĩnh vực công nghiệp và năng lượng và theo dự kiến đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 8% của quốc gia thực hiện NDC, lĩnh vực năng lượng sẽ thực hiện 11 giải pháp chi phí thấp (8 giải pháp về sử dụng lượng hiệu quả và 3 giải pháp về sử dụng năng lượng tái tạo) để đạt được mức đóng góp giảm 4,4%/8% và sẵn sàng thực hiện 6 giải pháp chi phí cao (1 giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả và 5 giải pháp về sử dụng năng lượng tái tạo) để đóng góp giảm thêm đạt 9,8%/25%. Như vậy có thể thấy trong 17 giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam, có đến 8 giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả là ưu tiên hàng đầu để tự thực hiện, các giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo với chi phí cao vẫn cần sự hỗ trợ lớn từ cộng đồng quốc tế.
Để triển khai các mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động công nghiệp và năng lượng tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo về Ứng phó với biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm Trưởng ban, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm Phó trưởng ban, Thành viên có sự tham gia chủ chốt của 2 đơn vị là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Là cơ quan trường trực của Ban Chỉ đạo và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Đây là hai đơn vị chủ trì cho việc triển khai các chính sách, thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Trên cơ sở Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, hệ thống các văn bản hướng dẫn, quy định như việc áp dụng dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ năng lượng, quy định về định mức tiêu hao năng lượng tối thiểu và lộ trình áp dụng cho một số ngành sử dụng năng lượng lớn,… về cơ bản đã được xây dựng hoàn chỉnh. Các hoạt động hỗ trợ như thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn cán bộ quản lý năng lượng hiệu quả,… đều được triển khai thường xuyên và đem lại nhiều kết quả cụ thể và thiết thực.
Triển khai Chiến lược phát triển năng lượng, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và Quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam, thời gian qua Bộ Công Thương đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện từ mặt trời, điện từ sinh khối và điện từ chất thải rắn với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi khá đầy đủ. Tuy nhiên, với bản chất về chi phí giá đầu tư cao và các mặt hạn chế về kỹ thuật của các dạng năng lượng này nên kết quả đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Như vậy có thể khẳng định, Bộ Công Thương hiện đang là cơ quan được Chính phủ giao triển khai 2 giải pháp quan trọng nhất góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp của Việt Nam, đó là sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo. Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ thực thi hai giải pháp này sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, chú trọng xây dựng và áp dụng nhằm thực hiện các cam kết của Quốc gia theo Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024