27/07/2018
Trong báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, lên thứ 55/137…
Trong báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, lên thứ 55/137…
Với thứ hạng này, Việt Nam xếp trên một số nước ASEAN như Philippines (56), Campuchia (94), Lào (98), nhưng xếp dưới Indonesia (36), Thái Lan (32), Malaysia (23), Singapore (3), và hai nền kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc (27) và Ấn Độ (40). Tuy nhiên khi xét từng nhóm yếu tố thành phần thì điểm yếu cố hữu của Việt Nam là nhóm yếu tố về đổi mới sáng tạo và mức độ tinh thông trong kinh doanh (số lượng và chất lượng nhà cung ứng địa phương, sự phát triển của cụm ngành kinh tế, độ rộng của chuỗi giá trị…) có xu hướng cải thiện rất chậm. Ngoài ra, các chỉ số về chống độc quyền và đảm bảo cạnh tranh, thì chỉ số của Việt Nam rất thấp, chỉ xếp thứ 78/138 quốc gia, trong khi chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 94/138. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt vẫn có xu hướng “dựa dẫm” vào sự hỗ trợ của nhà nước. Các doanh nghiệp tại Bắc Ninh cũng không ngoại lệ. Nguyên nhân chủ yếu là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao. Khi xem xét các kết quả điều tra, đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và qua thực tiễn của hoạt động cải tiến doanh nghiệp tại Bắc Ninh có thể thấy những vấn đề doanh nghiệp CNHT Bắc Ninh gặp phải cũng nằm trong vấn đề chung của cả nước. Do vậy, thông qua đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể thấy được vị trí của doanh nghiệp CNHT Bắc Ninh trong chuỗi giá trị.
Năng lực cạnh tranh là “khả năng tạo lập được những thuận lợi hay lợi thế của chủ thể cạnh tranh thông qua quá trình đổi mới và sáng tạo liên tục nhằm đạt được mục tiêu với hiệu quả cao và bền vững”. Theo tiến sĩ M. Porter, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp có thể được nhìn nhận theo các hoạt động bổ trợ (kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp, quản trị nhân lực, phát triển công nghệ, mua hàng) và các hoạt động cơ bản (vận chuyển bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, sản xuất, marketing & phân phối, dịch vụ sau bán hàng).
Mô hình chuỗi giá trị của Michael Porter
Tuy nhiên các điều tra, đánh giá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đều đưa ra nhận định chung là doanh nghiệp Việt Nam còn yếu cả trong các hoạt động bổ trợ và cả trong các hoạt động cơ bản, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến mối liên kết hiệu quả về mặt chi phí.
1.Năng lực cạnh tranh của Việt Nam dựa trên lợi thế so sánh
Trước đây, lợi thế so sánh của các doanh nghiệp chủ yếu đến từ nguồn nhân công với mức lương tương đối thấp. Tuy nhiên, tập trung khai thác quá mức lợi thế chi phí lao động thấp sẽ là một trở ngại với doanh nghiệp trong việc hướng tới phát triển các sản phẩm có GTGT cao hơn. Việc duy trì đội ngũ nhân công rẻ mà thiếu chính sách đào tạo và đãi ngộ hợp lý sẽ cản trở động lực tăng năng suất lao động và khả năng tận dụng kinh nghiệm của người lao động. Trong khi đó, tăng năng suất dường như là giải pháp hợp lý nhất trước tình trạng các doanh nghiệp có vốn ít, trình độ công nghệ thấp.
Hiện nay, năng suất lao động ở Việt Nam được đánh giá là không quá thấp so với các nước châu Á khác. Theo báo cáo năm 2017 của Ngân hàng thế giới thì các doanh nghiệp trung bình ở Việt Nam tạo ra khoảng 10.500 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân.
Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2017
Tuy nhiên, kết quả về mức độ thâm dụng vốn và năng suất vốn cho thấy một bức tranh khác khi mức độ thâm dụng vốn của doanh nghiệp Việt Nam (khoảng US$7.300 trên mỗi công nhân) cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á, tương đương với các doanh nghiệp thuộc nhóm BRIC. Trong khi đó, năng suất vốn ở Việt Nam thấp hơn tất cả các nước Đông Nam Á khác. Kết quả trên chứng tỏ nguồn vốn ở Việt Nam không sử dụng thực sự hiệu quả, và doanh nghiệp Việt Nam không gặp trở ngại lớn về vốn. Ngoài ra, mức thâm dụng vốn cao có thể lý giải phần nào lý do năng suất lao động ở Việt Nam cao hơn các nước khác bởi các doanh nghiệp đã dùng vốn để thay thế cho lao động.
Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2017
Các kết quả đo lường năng suất trên đây có thể dẫn đến cái nhìn sai lệch khi xem xét các kết quả này một cách riêng biệt. Các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì năng lực cạnh tranh khi năng suất thấp nếu tiền lương thấp hơn đáng kể. Do vậy, chi phí lao động của mỗi doanh nghiệp (được tính bằng tổng các khoản chi trả cho toàn bộ lao động chia cho số lượng lao động) cần được xem xét khi đánh giá năng lực cạnh tranh. Chi phí nhân công ở Việt nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tiền công và tiền lương của doanh nghiệp trung vị Việt Nam ở mức khoảng 2.739 USD trên một lao động – cao khoảng gấp đôi so với Lào, Myanmar, Malaysia, và hơn khoảng 30% đến 45 % so với Campuchia, Thái lan và Philippin. Theo Tổng cục Thống kê năm 2017, mức lương tối thiểu trung bình của cả nước là 3.429 USD, tại Bắc Ninh là 5.052 USD. Như vậy, chi phí lao động tại Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng không thể được coi là lợi thế so sánh.
Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2017
Đơn giá công lao động, được định nghĩa là tỉ lệ giữa chi phí lao động và giá trị gia tăng, cao hơn khi chi phí lao động cao biểu hiện bằng mức năng suất cao và vì vậy có thể cho phép chúng ta đánh giá tác động thực của chi phí lao động đối với năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp trung vị của Việt Nam có đơn giá công lao động ở mức trung bình, mặc dù cao hơn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin, và Malaysia, nhưng lại thấp hơn các nước Đông Nam Á còn lại và các nền kinh tế BRIC. Điều này cho thấy, so với các nước khác chi phí lao động cao ở Việt Nam cũng phù hợp với mức năng suất.
Với vai trò chủ yếu là nhận hợp đồng gia công và lắp ráp, doanh nghiệp Việt Nam thường nằm ở phần có GTGT thấp nhất trong chuỗi giá trị sản xuất. Do vậy, mặc dù chính phủ cũng như doanh nghiệp đưa ra nhiều nỗ lực nhưng sự phát triển của CNHT tại Việt Nam chậm so với kỳ vọng. Điều này được tiến sĩ Võ Trí Thành lý giải như sau:
Mô hình nụ cười của Stan Shih
Trong trường hợp chuỗi giá trị do nhà sản xuất chi phối, các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon… có sức mạnh thị trường ở những ngành đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ. Do đó, họ kiểm soát toàn bộ hệ thống sản xuất dựa trên một loạt những liên kết xuôi và liên kết ngược. Do vậy các biện pháp thuế quan, ưu đãi mà Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác chưa mang lại kết quả như ý muốn trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong chuỗi giá trị do người mua chi phối, chẳng hạn các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày … các tập đoàn bán lẻ quốc tế và công ty thương mại thường thiết lập một loạt mạng lưới sản xuất, đặc biệt là ở các nước có nhân công rẻ. Do đó, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh với nhiều nước cùng có giá nhân công rẻ trong mạng sản xuất quốc tế do người mua chi phối, và do đó liên tục gây áp lực làm giảm tiền công.
2.Để tạo lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp phải tích cực đổi mới.
Các lý thuyết truyền thống vẫn thường xem xét năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp qua lợi thế so sánh về chi phí. Tuy nhiên, theo chi phí (thấp) mới chỉ là bưới đầu khởi tạo năng lực cạnh tranh. Trên thực tế, giảm chi phí dựa trên chi phí lao động thấp là chủ yếu không còn là lợi thế so sánh của Việt Nam. Do vậy, yêu cầu phải chuyển từ lợi thế so sánh về chi phí đến năng lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh hình thành từ nhiều yếu tố trong đó chủ yếu là các kỹ năng tổ chức, quản lý trong toàn bộ các hoạt động cơ bản của chu trình sản xuất kinh doanh: từ tiền sản xuất (xác định và thiết kế sản phẩm, mua công nghệ và đầu vào, quản lý nguyên vật liệu và dự trữ), đến bản thân quá trình sản xuất (sử dụng lao động, nâng cao kỹ năng lao động và kiểm soát chất lượng) và sau sản xuất (bao gói, nhãn, giao nhận kịp thời, liên kết thương mại, đối tác chiến lược, hợp đồng, marketing, dịch vụ sau bán hàng và tiếp cận thị trường nước ngoài). Để có tạo ra lợi thế cạnh tranh từ các kỹ năng trên, năng lực đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp đóng vai trò quyết định.
Theo số liệu khảo sát, khoảng 23% doanh nghiệp Việt Nam tuyên bố đã giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ mới hoặc được cải thiện đáng kể trong vòng ba năm trở lại. Đây là mức trung bình khi so sánh giữa các quốc gia trong khu vực (Campuchia và Phillippine có trên 30%, Thái Lan, Lào và Malaysia có mức thấp hơn đáng kể). Tuy nhiên, ngoài mục đích nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm tại Việt Nam nhằm cắt giảm chi phí được nhiều doanh nghiệp lựa chọn hơn so với việc đưa ra tính năng mới cho sản phẩm. Trong đó doanh nghiệp vừa và lớn; doanh nghiệp có liên doanh, liên kết thực hiện đổi mới nhiều hơn.
Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2017
Về đổi mới quy trình, Việt Nam đang ở vị trí trung bình về tỷ lệ các công ty đã cải tiến quy trình (ví dụ như phương pháp sản xuất/giao nhận, bảo trì, việc thu mua, kế toán). Quá trình đổi mới nhằm tự động hóa các công việc thủ công và đưa ra các công nghệ mới hoặc phương pháp sản xuất hiệu quả diễn ra tương tự như các nước khác trong khu vực. Cuối cùng, Việt Nam cũng ở vị trí trung bình so với các nước khác về mức độ đổi mới liên quan đến các cơ cấu tổ chức và thực hành quản lý của doanh nghiệp.
Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2017
Năng lực đổi mới có thể là một trong những lý do tại sao một số công ty trong nước có khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài về đa dạng sản phẩm, chất lượng và giá cả. Tuy nhiên, các công ty trong nước có liên quan đến các tập đoàn đa quốc gia có động lực lớn hơn để đổi mới nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu đối với sản phẩm của họ. Trong những năm vừa qua, số doanh nghiệp liên kết đã đưa ra đổi mới sản phẩm/quy trình và dành ngân sách cho R&D nhiều gấp đôi doanh nghiệp không liên kết. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp liên kết có xu hướng hợp tác với đối tác bên ngoài để đổi mới sản phẩm/quá trình, trong khi các doanh nghiệp không liên kết chủ yếu dựa vào những nỗ lực của chính mình. Điều này cho thấy các doanh nghiệp kết nối có động lực đổi mới mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp không kết nối. Kết quả này cũng chỉ ra rằng chất lượng đổi mới cao hơn khi được thực hiện với các đối tác bên ngoài.
Nguồn: Ngân hàng thế giới, 2017
Rõ ràng, trong hoàn cảnh hiện nay, lợi thế so sánh dựa trên yếu tố nhân công giá thấp không còn là ưu thế, sự hỗ trợ của nhà nước qua thuế quan và ưu đãi chưa phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp CNHT Bắc Ninh nói riêng cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới. Như đã trình bày ở trên, năng lực đổi mới của doanh nghiệp Việt Nam đang còn ở mức trung bình so với các nước trong khu vực và chủ yếu có được từ tác động lan tỏa của FDI. Các doanh nghiệp không liên kết đặc biệt là danh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự tự giác và đầu tư quyết liệt. Do vậy để cải thiện năng lực cạnh tranh doanh nghiệp CNHT Bắc Ninh (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) cần thực hiện các giải pháp:
– Nâng cao năng suất thông qua cải thiện khả năng ứng dụng tiến bộ công nghệ, kết hợp với đào tạo đội ngũ nhân công;
– Tích cực đổi mới sáng tạo thông qua R&D, đổi mới sản phẩm và quy trình để có thể dịch chuyển dần lên phía trên chuỗi giá trị;
– Đổi mới cơ cấu tổ chức và các hoạt động liên quan tới thực hành quản lý của doanh nghiệp;
– Chủ động liên kết với đối tác bên ngoài để nâng cao chất lượng đổi mới;
– Chủ động xây dựng và củng cố các mối liên kết sản xuất, kinh doanh từ đó phát huy vai trò của các hiệp hội.
Theo SCT.bacninh.gov.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH