12/12/2018

Nâng giá trị cho đặc sản vùng, miền

Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018 diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua được đánh giá là cầu nối quan trọng của nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng. Đây là dịp để doanh nghiệp (DN) các tỉnh, thành phố quảng bá sản phẩm nổi bật của địa phương mình, đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ với Hà Nội, nhằm đưa các sản phẩm đặc trưng vào chuỗi cung ứng – tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và tiến tới xuất khẩu (XK).

Sự kiện xúc tiến thương mại

Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018 đã quy tụ những sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền trên cả nước gồm: Thủy hải sản, bánh kẹo, chè, cà phê, hoa quả tươi, đồ uống, thực phẩm chế biến… Riêng Hà Nội giới thiệu một số sản phẩm đặc sản như: Cốm làng Vòng, bánh cốm, giò chả Ước Lễ, nem Phùng, chè lam Thạch Thất, bánh cuốn Thanh Trì …

resized dacsangvm1

Hội chợ là cầu nối quan trọng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng

Tại Hội chợ này, đã có nhiều DN mạnh dạn đầu tư cho công tác trưng bày tại Hội chợ thông qua việc phát triển sản phẩm mới, nhãn mác, bao bì sản phẩm; thiết kế gian hàng ấn tượng. Đặc biệt, hội chợ còn thu hút được DN đến từ một số nước, như: Pakistan, Sri Lanka, Slovakia, Indonesia, Nhật Bản… tham gia trưng bày sản phẩm, trình diễn nghệ thuật ẩm thực.

Ông Phạm Trọng Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty MTV Phạm Nghĩa T&N (Cần Thơ) – chia sẻ: Đơn vị chúng tôi đã bốn lần tham gia hội chợ, chúng tôi thấy chất lượng hội chợ càng ngày càng được cải thiện và có thêm nhiều khách hàng mới hơn. Thông qua hội chợ, công ty đã tìm được các nhà phân phối lớn, nhằm đưa sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng (NTD) Thủ đô.

Là DN chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc, bà Nguyễn Thu Hương – Giám đốc Công ty Đổi mới sáng tạo Nông nghiệp Việt Nam – cho hay: Thông qua hội chơ, chúng tôi đã kết nối được với gần 30 đại lý phân phối ở Hà Nội. Đồng thời, thiết lập được một mạng lưới các khách hàng tiêu dùng thường xuyên các sản phẩm của các nhóm sản xuất. DN mong muốn, hội chợ được tổ chức thường xuyên hơn trong năm để tạo điều kiện cho DN và bà con tiêu thụ sản phẩm của mình…

3 DN Pakistan đã tham gia hội chợ năm vừa qua, ông Sumair Mustansar Tarar – Tham tán Thương mại Pakistan tại Việt Nam – chia sẻ: Tham gia hội chợ, chúng tôi không chỉ có những bạn hàng mới mà còn giới thiệu được các đặc sản, văn hóa của Pakistan đến với Việt Nam. Pakistan cũng có rất nhiều đặc sản và chúng tôi mong muốn được giới thiệu các đặc sản này trong các hội chợ đặc sản vùng, miền tiếp theo.

resized dacsangvm2

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Hội chợ Ðặc sản vùng miền Việt Nam đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại, góp phần hỗ trợ các DN và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới NTD Hà Nội, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng – tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ XK.

Phấn đấu trở thành hội chợ xuất khẩu vào năm 2022

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp có rất nhiều sản phẩm vùng, miền. Các sản phẩm vùng, miền của Việt Nam không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn đang được XK mạnh mẽ sang thị trường quốc tế, nhiều mặt hàng có vị trí dẫn đầu như: Hạt điều, cà phê, cacao, tiêu…

Mặc dù, tiềm năng của đặc sản vùng, miền Việt Nam rất lớn, nhưng theo bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA): Việc phát triển cũng còn nhiều hạn chế do nhận thức chưa đầy đủ về tiềm năng phát triển của đặc sản vùng, miền, chưa có sự đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài trên quan điểm xây dựng thương hiệu đặc sản tại mỗi địa phương. Bên cạnh đó, việc thiếu tính liên kết mang tính hệ thống trong việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm, thiếu sự đa dạng trong thiết kế, phát triển sản phẩm và liên kết để xây dựng hệ thống phân phối tại thị trường trong nước cũng như quốc tế … là những nguyên nhân chính hạn chế sự phát triển của các sản phẩm vùng miền.

Trong những năm tới, định hướng phát triển Hội chợ theo hướng đáp ứng về chất lượng sản phẩm, gia tăng về giá trị, đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phấn đấu trở thành một hội chợ XK vào năm 2022.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới đây, HPA sẽ rà soát đánh giá thực trạng các sản phẩm tiềm năng để có các biện pháp tư vấn, hỗ trợ tại mỗi địa phương. Bên cạnh đó, sẽ phối kết hợp với các bộ, sở, ban ngành của các địa phương đầu tư phát triển sản phẩm mẫu, bao bì, nhãn mác, công bố chất lượng sản phẩm…. lựa chọn những sản phẩm chiến lược trong mỗi nhóm sản phẩm (thực phẩm, đồ uống..). Đồng thời, nghiên cứu và phát triển chiến lược thị trường cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm để mời khách nhập khẩu vào thăm quan và giao dịch. Trước mắt, sẽ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm đã có công bố chất lượng, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm mới được phát triển từ lợi thế của các địa phương, tiếp đến là các sản phẩm của các DN khởi nghiệp.

HPA kỳ vọng đến 2022, hội chợ sẽ có 700 gian hàng với sự tham gia của 300 DN XK trong và ngoài nước và hơn 2.000 nhà nhập khẩu cùng 20.000 lượt khách Việt Nam đến thăm quan và giao dịch.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản: Hội chợ Đặc sản vùng miền là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam. Đồng thời, là dịp để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, du lịch đặc trưng của mỗi vùng đất tới du khách trong nước và quốc tế.

Theo kinhtevn.com.vn