Nấm ăn – Thực phẩm sạch tốt cho sức khỏe
Trong giới sinh vật có gần 7 vạn loài nấm, nhưng chỉ có hơn 100 loài có thể ăn hoặc dùng làm thuốc, thông dụng nhất là mộc nhĩ đen, ngân nhĩ, nấm hương, nấm mỡ, nấm rơm, nấm kim châm, … Ngoài nguồn thu hái từ thiên nhiên, người ta đã trồng được hơn 60 loài theo phương pháp công nghiệp với năng suất cao. Nhiều nhà khoa học cho rằng nấm sẽ là một trong những thực phẩm rất quan trọng và thông dụng của con người trong tương lai.
Ngoài giá trị cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nấm ăn còn có nhiều tác dụng dược lý khá phong phú như: Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể; kháng ung thư và kháng virus; dự phòng và trị liệu các bệnh tim mạch; giải độc và bảo vệ tế bào gan; kiện tỳ dưỡng vị; hạ đường máu và chống phóng xạ; thanh trừ các gốc tự do và chống lão hóa. Ngoài ra, nhiều loại nấm ăn còn có tác dụng an thần, trấn tĩnh, rất có lợi cho việc điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh trung ương.
Trong chuyến công tác, làm việc với các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Hà Nam, chúng tôi có dịp đến tham quan và trao đổi với Công ty TNHH Green Food Hà Nam, tại xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Tiếp xúc, làm việc với chúng tôi là đôi vợ chồng trẻ, chị Nguyễn Thị Thu Chang và anh Đặng Đình Thật, với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, ham học hỏi, vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình trồng và chế biến nấm sạch của Công ty, anh Thật vừa vui vẻ trao đổi về ngành nghề trồng và chế biến nấm mà anh chị đã trải qua.
Anh hãy cho biết quá trình gây dựng, thực hiện công việc nuôi trồng, chế biến nấm sạch của anh chị?
Ngày đầu lập nghiệp khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tìm cơ sở để nuôi trồng và sản xuất, vì thời khắc ban đầu, mọi thứ đều khó khăn và thiếu thốn, không thể tự mình có ngay được cơ sở, mặt bằng để thực hiện dự án. Rất may là chúng tôi có mối quan hệ thân tình với anh em, bạn bè tại tỉnh Lạng Sơn, với sự giúp đỡ đó, chúng tôi chọn Mẫu Sơn là cơ sở thực hiện dự án nuôi trồng nấm, với khí hậu rất phù hợp với việc nuôi trồng nấm hương (là loài nấm ưa phát triển ở nhiệt độ thấp), tuy vậy đi kèm với đó là những khó khăn nhất định. Mẫu Sơn là vùng núi cao, nên công việc xây dựng dự án, quản lý, vận chuyển, .. rất vất vả. Những ngày đầu thực hiện, thực sự rất nhiều nỗi lo, lo về kỹ thuật nuôi trồng, lo về tài chính, lo về nguyên liệu, lo về thị trường…. Bản thân xuất thân từ gia đình nông nghiệp, yêu lao động, bằng sự yêu nghề, sức mạnh của tuổi trẻ, sự đồng lòng của cả hai vợ chồng và sự giúp đỡ, động viên to lớn từ gia đình và bạn bè, với số vốn ban đầu rất khiêm tốn, chúng tôi vừa làm vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật và dần hoàn thiện quy trình, kỹ thuật nuôi trồng. Nấm hương là loài dễ trồng, dễ nuôi, nhưng để cho hiệu quả cao thì thực sự phải thực hiện tốt kỹ thuật và quy trình từ khâu xử lý nguyên liệu, cấy giống và chăm sóc, thu hoạch cho đến công đoạn bảo quản. Sau hơn 4 năm lăn lội với nghề trồng nấm, đến nay quy mô trồng, sản xuất nấm – mộc nhĩ của gia đình tôi đã lên tới 30.000m2, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất đi thị trường trong và ngoài nước.
Anh Đặng Đình Thật trao đổi về công việc nuôi trồng, chế biến nấm sạch
Anh có thể chia sẻ về kinh nghiệp, kỹ thuật trồng nấm hương của đơn vị?
Nấm hương là loài nấm mọc trên gỗ (mùn cưa), thích hợp với khí hậu ôn đới. Nấm hương là một trong những loại nấm được thu hái tự nhiên và nuôi trồng từ lâu đời, nó có hương vị thơm, ngon, được nhiều người ưa chuộng.
Trồng nấm hương đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm như:
– Xử lý nguyên liệu: Mùn cưa trồng nấm phải không có tinh dầu, không bị mốc, không có các độc tố, được làm ẩm và ủ theo tiêu chuẩn, mùn cưa được trộn thêm bột nhẹ hoặc vôi bột và đóng vào túi nilon chịu nhiệt, nút cổ túi bằng ống nhựa và bông, đưa túi mùn cưa vào nồi hấp thanh trùng ở nhiệt độ thích hợp.
– Cấy giống nấm: Túi mùn cưa đã được thanh trùng lấy ra để trong phòng sạch đến khi nguội. Cấy giống nấm trong các tủ cấy vô trùng sang túi mùn cưa theo tỷ lệ 2,5-3% lượng giống so với nguyên liệu.
– Ươm túi mùn cưa đã cấy giống và chăm sóc: Chuyển các túi mùn cưa đã cấy giống vào nhà ươm có nhiệt độ 24-26°C, nhà ươm cần thoáng mát, sạch sẽ, không có ánh sáng. Để tăng diện tích sử dụng, cần làm nhiều tầng (4-6 tầng giàn). Xếp bịch trên giàn, các bịch cách nhau 7-10cm. Thời gian ươm bịch kéo dài khoảng 60-70 ngày. Sợi nấm phát triển, ăn dần vào nguyên liệu, tạo nên màu trắng đồng nhất. Trong giai đoạn này cần tạo độ thông thoáng trong nhà ươm, loại bỏ những túi bị nhiễm bệnh do nấm mốc, bị khuẩn gây hại.
– Chăm sóc và thu hái nấm: Khi kết thúc thời gian nuôi sợi (pha sợi), chuyển các túi mùn cưa đã có sợi nấm ăn kín đáy túi, mở túi bông và miệng túi rộng ra, đặt sang khu vực khác. Yêu cầu khu vực đó phải có ánh sáng (ánh sáng phòng), nhiệt độ đạt 16-180C, độ ẩm không khí 80%. Dùng bình phun tưới nước dưới dạng sương mù, ngày 2-3 lần. Khoảng 15 ngày sau, nấm bắt đầu lên và thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài 4-5 tháng sẽ kết thúc một đợt nuôi trồng.
Năng suất nấm trung bình khi hết một chu kỳ thu hái mỗi túi cho thu hoạch 600-800g nấm tươi. Nấm thu hoạch xong có thể tiêu thụ ở dạng tươi hoặc phơi sấy khô ở nhiệt độ 40-45°C. Giữ nấm khô trong túi nilon, buộc chặt.
Nhà trồng nấm hương – Công ty TNHH Green Food Hà Nam
Bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng của qui trình sản xuất, anh hãy cho biết hiệu quả khi ứng dụng dây chuyền thiết bị tiên tiến trong chế biến nấm đối với doanh nghiệp?
Trong năm 2020, với tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi cũng ảnh hưởng không nhỏ, do thị trường chủ yếu là xuất đi nước ngoài, những năm qua xuất khoảng 30-40 tấn nấm hương, khoảng 100 tấn mộc nhĩ. Tuy nhiên năm nay đã giảm đi khoảng 30-40%. Mặc dù vậy, đơn vị vẫn mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng (nuôi trồng và chế biến) và mua sắm dây chuyền chế biến nấm – mộc nhĩ với công suất của máy cho ra sản phẩm 3.000kg/h. Với dây chuyền công nghệ tiên tiến, khép kín, đồng bộ, phù hợp với mặt bằng sản xuất giúp gia tăng thời gian bảo quản nấm, hạn chế được tỷ lệ nấm hư hỏng, tạo được nguồn sản phẩm nấm sấy khô đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng bất kỳ hóa chất, chất phụ gia, chất bảo quản nào trong cả quá trình chế biến và không phụ thuộc vào thời tiết. Sản phẩm từ nấm bảo quản được lâu, dễ vận chuyển, dễ đóng gói, bảo quản, giữ nguyên được chất lượng dinh dưỡng cao làm tăng giá trị kinh tế của nấm từ 2-3 lần.
Sản phẩm nấm hương tươi sau thu |
Sản phẩm nấm hương qua chế biến |
Nghiệm thu chương trình hỗ trợ ứng dụng dây chuyền thiết bị tại Công ty TNHH Green Food Hà Nam, tại xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam
Xin cảm ơn anh đã có những chia sẻ vừa qua. Chúc Công ty ngày càng phát triển.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam triển khai nội dung: “Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ trong chế biến nấm – mộc nhĩ” cho Công ty TNHH Green Food Hà Nam. Đến nay, nội dung thuộc đề án đã hoàn thành, đơn vị đã ổn định sản xuất, thiết bị đầu tư đã phát huy hiệu quả. Được thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công trong việc đầu tư, ứng dụng dây chuyền thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã phần nào giúp doanh nghiệp đỡ gánh nặng về tài chính, giúp đơn vị thêm nhiều động lực để phát triển, sản xuất.
Thực hiện: Phan Giang
Tin mới nhất
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH
Nghệ An: Khuyến công giúp đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn
Vĩnh Phúc: Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Thông báo: Về việc cung cấp báo giá chi tiết dịch vụ tổ chức Hội chợ triển lãm 2024
Hội nghị Sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm6 tháng cuối năm 2024 của Cục Công Thương địa phương
Thông báo Về việc đăng ký tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024