20/12/2023

Mỳ Chũ Green: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021, đặc sản tạo hiệu quả kinh tế Vùng

Từ nhiều năm nay, sản phẩm Mỳ Chũ luôn là niềm tự hào của mỗi người con quê hương Lục Ngạn, đặc biệt là Mỳ Chũ Green. Hiện nay, Mỳ Chũ Green không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn có mặt ở những thị trường nước ngoài như: Trung Quốc và các nước Tây Âu. Với những thành quả đó, đặc sản Mỳ Chũ Green được Bộ Công Thương bình chọn và công nhận là 01/200 sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.

mychuan1

Mỳ chũ Green: Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021

Để tìm hiểu về mỳ chũ Green, chúng tôi có cuộc trò chuyện với bà Đào Thị Hương – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Tiêu thụ Mỳ Trại Lâm xã Nam Dương (HTX Mỳ Trại Lâm), huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang với một số nội dung sau:

PV: Chào bà, xin bà có thể giới thiệu đôi nét câu chuyện về sản phẩm mỹ chũ, thức đặc sản của tỉnh Bắc Giang thưa bà ?

Bà Đào Thị Hương: Với người dân Bắc Giang, mỳ Chũ chẳng có gì xa lạ, nhưng có điều đặc biệt là món ăn thôn quê này đã trở nên khá phổ biến trong các nhà hàng, trong các bữa ăn của nhiều gia đình trong cả nước. Trước đây mỳ Chũ chỉ được bán ở trong tỉnh Bắc Giang, còn hiện nay hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều đã có những đại lý bán sản phẩm mỳ Chũ nổi tiếng của huyện vùng cao Lục Ngạn.

Điều đặc biệt, để mỳ Chũ ngon hơn các loại mỳ thông thường là mỳ được làm từ thứ gạo đồi của vùng Chũ có tên là bông hồng, gạo bông hồng khi được trồng ở đất đồi sẽ có vị đậm đà, dẻo dai vượt xa gạo bông hồng của vùng đồng bằng. Bằng các phương pháp gia truyền, nên chỉ có tại đây, dù không sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, hàn the… nhưng mỳ Chũ vẫn có độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon hơn nhiều loại mỳ khác.

Một điều quan trọng khác là do cách làm mỳ thủ công, cầu kỳ của người Nam Dương: Gạo đem về nhặt sạch, vo kỹ, ngâm 8 tiếng rồi xay ra thành bột. Thứ bột dẻo dẻo, sánh sánh được lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ lại qua đêm, sáng hôm sau tráng bánh. Sau nhiều công đoạn khác nhau, đưa bánh ra sàn phơi chừng 04 ngày thì có thể đem thái nhỏ thành sợi. Trước đây được bó thành từng bó buộc bằng lạt mềm. Nay người dân đóng mỳ vào từng túi, bao bì đã được đăng ký mẫu mã rất bắt mắt.

Ngày xưa, sản xuất mỳ theo lối thủ công nên năng xuất rất thấp, nay người dân đã biết áp dụng khoa học, công nghệ vào nên làm mỳ đỡ vất vả mà năng xuất lại cao, và thu nhập từ làm mỳ của nhân dân cũng tăng lên nhiều. Món mỳ này được thị trường đánh giá rất cao về chất lượng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm….

mychuan2

Hình ảnh: Sàn phơi bánh ngoài trời

PV: Cảm ơn bà! Nói đến mỳ chũ Green, chắc chắn nhiều người sẽ không còn xa lạ vì nó góp một phần vào bữa ăn của mỗi gia đình Việt. Trong đó, mỳ chũ Green được đánh giá chất lượng ngon, có độ dai và được nhiều người thích. Vậy, sản phẩm Mỳ Chũ Green của cơ sở mình có gì khác biệt so với những loại mỳ chũ khác ?

Bà Đào Thị Hương: Mỳ Chũ Green được đánh giá là sản phẩm đặc biệt nhất bởi khác hẳn với những loại mỳ thông thường và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Mỳ cao cấp, thân thiện môi trường: Mỳ Chũ Green là dòng cao cấp, thân thiện với môi trường bởi từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất đều rất cầu kỳ và lựa chọn kỹ lưỡng. Gạo làm mỳ phải là gạo bao thai hồng, giống lúa cho ra loại gạo này thường trồng trên đất đèo núi như: Tân Sơn, Cấm Sơn, Kiên Thành… ở Lục Ngạn, Sơn Động và một số huyện ở Lạng Sơn.

Với đặc điểm thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp nên giá gạo mua vào đắt hơn 02 lần so với gạo thường. Quá trình canh tác không dùng thuốc bảo vệ thực vật; phân bón là phân chuồng tự nhiên kết hợp phân ngâm ủ từ cây lá. Bởi vậy, lúa cho hạt gạo tròn đều, thơm ngon, vị ngọt ngọt, khi xát gạo có màu trắng, nhưng khi tráng thành mỳ thì có màu hồng tự nhiên. Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công truyền thống, tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi: Không chất bảo quản và phụ gia, organic, thuần khiết hương vị thiên nhiên…

Túi đựng mỳ sử dụng loại giấy Kraft của Nhật Bản (năm 2017 nhập từ Nhật Bản; từ năm 2018, công ty bên Nhật có chi nhánh tại Việt Nam) dành riêng trong thực phẩm, thân thiện với môi trường, có chứng chỉ FSSC 22000 của Úc… Sử dụng túi giấy Kraft sẽ giữ được mùi thơm của mỳ, không bị hôi như các loại túi khác. Do là túi giấy nên phải dùng keo để dán mép, không được dùng gim để bấm.

Bí quyết để tạo ra sợi mỳ dai, thơm thanh vị gạo nằm ở quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công truyền thống, công thức gia truyền, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc từ khâu chọn, vo, ngâm xay, phơi, chần và đóng gói sản phẩm. Mỳ được phơi dưới nắng và gió hoàn toàn tự nhiên.

PV: Được biết, làng nghề Mỳ Chũ thôn Thủ Dương, xã Nam Dương hiện có trên 300 hộ sản xuất Mỳ gạo chiếm tới 85% số hộ của làng. Trong đó, trên 100 hộ tham gia vào Hội sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Lục Ngạn. Hiện bình quân mỗi ngày, làng nghề sản xuất và tiêu thụ gần 30 tấn mỳ gạo, trong đó Hội sản xuất Mỳ Chũ đã sản xuất và tiêu thụ 10 tấn mỳ, giá trị thu được của làng nghề gần 8 tỷ đồng mỗi năm. Vậy, xin bà có thể chia sẻ về những bí quyết để tạo nên thức đặc sản đó ?

Bà Đào Thị Hương: Cội nguồn của những thành phẩm đặc sản đó chính là từ nguyên liệu gạo bao thai của vùng Lục Ngạn, nguồn nước trong lành của vùng quê bên bờ sông Lục, cùng với đó là sự cần cù sáng tạo của những người thợ với phương pháp quy trình làm nghề truyền thống trong suốt hơn 60 năm qua. Để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai như lá lúa, người thợ phải đổ nhiều mồ hôi công sức. Gạo đem về đãi, vo sạch, cho vào lu (một loại dụng cụ chứa được làm bằng đất nung) ngâm chừng 6 đến 8 tiếng. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh để có được thứ bột dẻo, sánh. Bột ấy được lọc nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Từ tờ mờ sáng, người nghệ nhân đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người làm, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ , người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mỳ đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mỳ sóng đều, mượt và có hoa văn đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng cả là một nghệ thuật mà không phải là người làm mỳ nào cũng thực hiện được. Như vậy từ các nguyên liệu, người thợ phải thực hiện rất nhiều quy trình trong thời gian trên 36 tiếng đồng hồ để cho ra đời những sợi mỳ đặc sản dẻo, dai.

mychuan3

Hình ảnh: Mỳ chũ Green với các màu khác nhau

Được sản xuất bằng phương pháp gia truyền nên dù không sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, hàng the… nhưng Mỳ Chũ vẫn có độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon hơn nhiều loại mỳ khác. Với Mỳ Chũ các bà nội trợ có thể chế biến thành nhiều món ngon nhanh và đơn giản. Mỳ Chũ chính là sự hoà quyện giữa gạo quê và nguồn nước trong lành của vùng núi đồi sông Lục, cùng với đôi bàn tay nghệ nhân làng nghề để làm nên đặc sản của một miền quê. Một đặc điểm nổi trội của Mỳ Chũ là dù chưa kịp ăn ngay sau khi nấu thì khi để nguội mỳ vẫn không bị nát, khi cần sử dụng chỉ cần thêm chút nước đun sôi là lại có tô mỳ ngon như vừa nấu từ bếp. Tất cả đó là sự kết tinh hương vị và mang đậm hồn quê vùng núi đồi Lục Ngạn.

PV: Cảm ơn bà về những chia sẻ rất thú vị, qua đây không chỉ giúp chúng tôi có những góc nhìn và hiểu sâu hơn về đặc sản mỳ chũ của huyện Lục Ngạn, đặc biệt là sản phẩm mỳ chũ Green. Với những thuận lợi, khó khăn đan xen trong công tác gìn giữ, phát triển nét đẹp và văn hóa ẩm thực địa phương, không biết bà có những đề xuất và mong muốn gì đối với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) trong thời gian tới ?

Bà Đào Thị Hương: Cảm ơn Trung tâm 1 luôn quan tâm, ủng hộ và chia sẻ với HTX Mỳ Trại Lâm về những khó khăn mà cơ sở đang gặp phải. Qua đây, HTX Mỳ Trại Lâm cũng xin chia sẻ như sau: Những hôm thời tiết xấu, phơi không khô được bánh, HTX Mỳ Trại Lâm rất mong các cơ quan chức năng, đặc biệt là Trung tâm 1 quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí để xây nhà màng, nhà lưới, lò sấy năng lượng mặt trời kết hợp điện lưới và quạt hút gió, để sấy theo kiểu tự nhiên; được hỗ trợ về pháp lý khi cơ sở xuất mỳ đi nước ngoài. Đặc biệt, HTX Mỳ Trại Lâm mong Trung tâm 1 đồng hành, hỗ trợ cơ sở trong công tác quảng bá, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

 Cảm ơn bà về những chia sẻ trong cuộc gặp gỡ ngày hôm nay, những kiến nghị, đề xuất của cơ sở chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Trung tâm nhằm đưa ra những định hướng, kế hoạch cụ thể để đồng hành, tư vấn hỗ trợ cơ sở trong công tác đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thực hiện và ảnh: Xuân Phú