Minh bạch nguồn gốc nguyên liệu: Thách thức lớn với làng nghề gỗ
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) nhằm loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng. Đây sẽ là thử thách lớn với các làng nghề chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Nhiều hộ gia đình tại làng nghề mộc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao về pháp lý
VPA được ký kết, các quốc gia đối tác sẽ thiết kế và thực hiện Hệ thống bảo đảm tính hợp pháp của gỗ (TLAS). Hệ thống này sẽ áp dụng cho tất cả các tổ chức và hộ gia đình, sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Điều đó có nghĩa, khi hệ thống TLAS chính thức đi vào hoạt động, tất cả các hộ gia đình tham gia chuỗi cung cũng cần bảo đảm tính hợp pháp của sản phẩm.
Trong khi đó, theo khảo sát từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) và Tổ chức Forest Trend, tại 5 làng nghề mộc gồm: La Xuyên, Vạn Điểm, Đồng Kỵ, Liên Hà, Hữu Bằng, hầu hết sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu, rủi ro cao về pháp lý. Chỉ có một số ít hộ gia đình làng nghề Liên Hà và Hữu Bằng sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào có rủi ro về pháp lý thấp, thân thiện với môi trường, bao gồm cả gỗ được nhập khẩu từ Mỹ, EU, gỗ rừng trồng trong nước…
Theo đại diện Vifores, một trong những vấn đề rất khó giải quyết cho các làng nghề gỗ khi VPA có hiệu lực là sự hiểu biết và mối quan tâm của các hộ gia đình trong làng nghề về tính pháp lý của gỗ nguyên liệu rất hạn chế. Giao dịch giữa các hộ bán nguyên liệu và chế biến, giữa hộ sản xuất và người mua thành phẩm chỉ là giao dịch miệng và hầu như không có bằng chứng pháp lý nào chứng minh tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm sau chế biến.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, khoảng 90% giao dịch giữa các hộ sản xuất và cung cấp gỗ nguyên liệu thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ; 27% số sản phẩm bán ra có giấy tờ chứng minh một số khía cạnh về tính hợp pháp của sản phẩm, trong đó, 26% là hóa đơn bán hàng và chỉ 1% là xác nhận của cơ quan kiểm lâm về nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Cùng đó, 74,5% số hộ không đăng ký kinh doanh, 64% số hộ không có mặt bằng sản xuất, phải sử dụng không gian sống của gia đình, 100% lao động được thuê bởi các hợp đồng miệng. Như vậy, khi VPA có hiệu lực, sự minh bạch về nguồn nguyên liệu không chỉ là vấn đề khó duy nhất mà việc bảo đảm vệ sinh môi trường, điều kiện an toàn cho người lao động… cũng là những vấn đề nan giải.
Trước hiện trạng trên, các chuyên gia cho rằng, sự hỗ trợ tốt nhất cho các hộ sản xuất tại làng nghề gỗ hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, là chính thức hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp các hộ cải thiện điều kiện làm việc, đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ và điều kiện của VPA.
Chính thức hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ tại làng nghề đòi hỏi sự kết hợp của nhiều giải pháp. Trong đó, có việc sử dụng những biện pháp mạnh nhằm loại bỏ hành vi, hoạt động bất hợp pháp và ứng dụng biện pháp khuyến khích, hỗ trợ, tạo động lực cho các hộ tự nguyện tham gia chuyển đổi.
Ngoài ra, các làng nghề cũng cần được hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý, thủ tục giấy tờ nhằm giúp hộ đăng ký kinh doanh, hưởng ưu đãi về thuế… Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ được thiết lập trong thời gian tới, cần được ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi từ hình thức phi chính thức sang chính thức.
EU là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu khoảng 800 triệu USD mỗi năm.
Theo BaoCongthuong.com.vn
Tin mới nhất
VIMEXPO 2024 – cầu nối thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam
Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình
Công nghiệp hoá chất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia
Về việc đăng ký tham gia Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Mời doanh nghiệp tham gia “Triển lãm Thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024”
Thông báo về việc tổ chức các khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
IPC1 Tổ chức Tọa đàm về giải pháp phát triển ngành dệt may tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Ngành Công Thương Ninh Bình: Vượt thách thức, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển KT-XH