22/11/0219

Làng nghề truyền thống mộc Đông Thượng (Bắc Giang): Những bước phát triển mạnh mẽ

TBV – Làng nghề mộc Đông Thượng, xã Lãng Sơn huyện Yên Dũng cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 15 km. Lâu nay được biết đến là nơi sản xuất ra nhiều đồ gỗ đẹp và uy tín trên thị trường tỉnh Bắc Giang.

Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, làng nghề Đông Thượng có 65 hộ gia đình, thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi, bắt đầu từ năm 1965, đã có một số hộ dân bắt đầu chuyên về nghề mộc, đầu tiên là các sản phẩm làm bằng tre ngâm như: Tràng kỷ, chõng tre, giường và khung nhà làm bằng tre… Nhận thấy nghề này có thu nhập cao hơn từ nông nghiệp, sản phẩm bán chạy, người dân trong làng bắt đầu cho con em theo học nghề ngày càng đông, đến năm 1975, toàn làng nghề Đông Thượng có gần 40% số hộ lao động làm nghề, vào khoảng năm 1980 là thời hưng thịnh có tới khoảng 70% số hộ có lao động làm nghề, thương hiệu “Làng nghề mộc Đông Thượng” bắt đầu được xây dựng từ đây.

Hiện nay, ngoài số ít thế hệ cao niên còn sức khỏe gắn bó với nghề thì trên địa bàn có rất đông thế hệ trẻ đã và đang duy trì nghề mộc truyền thống của làng; người có điều kiện kinh tế khá giả thì mở xưởng, làm chủ cơ sở, còn người ít vốn thì làm tại nhà, còn lại đi làm thuê cho các cơ sở mộc khác. Qua quá trình phát triển, làng nghề mộc Đông Thượng đang dần phát triển theo hướng hiện đại hóa sản xuất, trước đây các công đoạn làm ra sản phẩm chủ yếu, như: Xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn… đều làm bằng tay thì bây giờ được thay thế bằng máy móc, thiết bị hiện đại, nên nhiều sản phẩm có những đường nét hoa văn tinh xảo được thể hiện phong phú, sống động qua những tấm gỗ; giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

dongthuong

Xưởng sản xuất mộc dân dụng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quang Tùng thuộc làng nghề mộc Đông Thượng.

Cùng với những tháng, năm thăng trầm của lịch sử phát triển, làng nghề mộc Đông Thượng được Nhà nước tiếp sức, hỗ trợ bằng nhiều hình thức như: Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tập trung có diện tích 1,45 ha. Năm 2008, qua chương trình giải quyết việc làm, các hộ dân làm nghề được vay 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Năm 2009, UBND xã Lãng Sơn thành lập Hội nghề mộc Đông Thượng, đây chính là hạt nhân góp phần phát triển nghề mộc tại địa phương. Năm 2010, Đông Thượng vinh dự được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là làng nghề truyền thống. Tiếp tục, trong năm 2012 – 2013, UBND huyện Yên Dũng cũng dành 150 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện các hỗ trợ hộ dân mua sắm máy móc, thiết bị vào trong sản xuất, tổ chức cho làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Năm 2015, UBND tỉnh đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống giao thông của làng nghề với chiều dài 3.143 m nối liền từ tỉnh lộ 299B tới trung tâm của xã Lãng Sơn, đường rộng 5,5m trong khu dân cư và 7m ngoài khu dân cư, kinh phí đầu tư khoảng 12,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Giang đã tổ chức mở lớp đào nghề mộc dân dụng cho những lao động chưa biết nghề và bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người dân; tổ chức lớp khởi sự doanh nghiệp tại làng nghề; tổ chức cho làng nghề tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các làng nghề mộc nổi tiếng như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định); quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề thông qua các hội chợ triển lãm trong nước, calatog… Năm 2015, từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, Trung tâm hỗ trợ 70 triệu đồng cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quang Tùng, là đơn vị tiêu biểu của làng nghề nhằm động viên doanh nghiệp, khuyến khích các cơ sở mộc khác trong làng nghề mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất.

Với sự nỗ lực mạnh mẽ của các cấp, các ngành và nội lực của người dân địa phương, làng nghề mộc Đông Thượng truyền thống hiện nay không những được duy trì mà còn phát triển mạnh mẽ, trong tổng số 735 người dân trong làng thì có 150 người tham gia sản xuất nghề mộc với mức thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng – 7 triệu đồng/người/tháng; làng nghề có 7 thợ giỏi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu và 3 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Thương hiệu đồ mộc Đông Thượng ngày càng vươn xa hơn.

Nguồn: http://thoibaoviet.com.vn/