25/11/2021

LÀNG NGHỀ GỖ MỸ NGHỆ LA XUYÊN – BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Từ thành phố Nam Định đi dọc theo tuyến Quốc lộ 10 hướng đi tỉnh Ninh Bình, đi khoảng 20 km bạn sẽ đến Làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên (thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), đây là một làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm đồ gỗ điêu khắc truyền thống lâu đời. Mới đến cổng làng đã nghe những âm thanh lách cách của tiếng gõ, đục, tiếng lạo xạo của giấy giáp, bào, cưa, … hoà vào đó là tiếng nói, tiếng cười của những người thợ mặt lấm tấm mồ hôi, nhưng tràn ngập niềm say mê, rạng rỡ, họ chính là tác giả của những sập gụ, tủ chè, ghế phượng, tượng rồng, … đang nằm ngổn ngang trên bãi đất của làng nghề. Trong chuyến đi về thăm làng nghề, chúng tôi có dịp gặp gỡ trao đổi với Bà Phạm Thị Lương – Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Lương Ủy, là đơn vị chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong làng nghề La Xuyên.

PV: Xin chào Bà, Bà có thế cho biết làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên hình thành từ bao giờ?

Theo Ngọc Phả đình của làng thì ông tổ làng nghề có tên là Ninh Hữu Hưng, quê ở xã Chi Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông sinh năm 936, trong một gia đình nối đời làm nghề thợ mộc nên đã tiếp thu được truyền thống đó của tổ tiên và trở thành một thợ giỏi nổi tiếng cả vùng. Khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, cho tuyển nhiều nhân tài và thợ giỏi ở khắp các địa phương về giúp triều đình, trong đó có Ông Ninh Hữu Hưng, Ông được nhà vua giao cho việc xây dựng cung điện trong kinh đô.

Nhà Lê thay nhà Đinh, sau khi đánh thắng quân Tống, Hoàng đế Đại Hành cho xây dựng lại cung thất, Ông Ninh Hữu Hưng càng được trọng dụng. Là người có tài năng, Ông được chọn vào đội quân Thiên cận đi bảo vệ nhà vua. Lê Đại Hành thường đi thăm nhiều nơi và Ông Ninh Hữu Hưng được chọn đi theo xa giá. Một lần vua Lê qua vùng Cái Nành (nay là đất La Xuyên) thấy thấp thoáng có bóng ngôi miếu cổ. Nhà vua cho dừng thuyền vào thăm, thấy đây là vùng đất đẹp nhưng dân cư thưa thớt, chỉ có dăm nhà lác đác ven sông, nhà vua đã cho Ông Ninh Hữu Hưng ở lại đất này. Từ đó, Ông định cư tại đây rồi đem cả con cháu, họ hàng đến vùng đất mới lập thành ấp lớn. Ông bỏ tiền chiêu dân, khuyến khích việc canh tác, phát triển nghề thủ công. Nghề mộc được ông truyền lại cho dân sở tại ngày càng phát triển. Công đức của Ông thấm đến mọi nhà nên những người đến đây làm ăn đều lấy họ Ninh, vì thế khu vực này từng có tên là Ninh Gia ấp sau đó tên là Ninh Xá. Ông mất ngày 6 tháng 4 năm Kỷ Mùi (1020). Để tỏ lòng biết ơn và tôn kính, dân làng đã lập đền thờ Ông.

laxuyen1

Hình ảnh đình La Xuyên

PV: Bà có thể chia sẻ thêm về nghề mộc của làng nghề La Xuyên?

Nghề mộc truyền thống ở làng nghề La Xuyên mà đỉnh cao là nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến độ hoàn hảo, những sản phẩm của làng nghề không chỉ thể hiện trình độ kỹ thuật cao của người thợ mà còn thể hiện được phong cách cổ điển, sang trọng. Đó cũng là điểm đặc trưng, dễ nhận thấy của sản phẩm chạm gỗ La Xuyên. Trên cơ sở những tinh hoa của nghệ thuật chạm gỗ cổ truyền, những người thợ thủ công, nghệ nhân làng nghề La Xuyên luôn tìm tòi, sáng tạo ra cái mới, chính điều đó đã giúp làng này tồn tại lâu bền trước những thử thách. Tuy nhiên, chúng tôi không chuyên môn hóa về một loại sản phẩm hay mặt hàng nhất định. Những gia đình thợ thủ công luôn làm nhiều mặt hàng sản phẩm: Bàn ghế, khung tranh, sập gụ – tủ chè, bàn thờ, cuốn thư, câu đối, … (Có gia đình tập trung tạc tượng và làm đồ thờ, nhưng họ vẫn làm bàn ghế, đồ mỹ nghệ). Trong quyển Đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của Hiệp hội Làng nghề xuất bản, có tới hơn 100 mẫu bàn ghế do người thợ làng nghề La Xuyên tạo ra.

Các nghệ nhân làng nghề nơi đây ai cũng thẩm thấu hai câu thơ:

“Giai nhân con cháu Cái Nành (La Xuyên)

Dẫu không khoa bảng cũng thành nghệ nhân”

Đây là những câu thơ thể hiện niềm tự hào của những người thợ mộc La Xuyên với nghề nghìn năm mà cha ông chúng tôi truyền lại. Nghề nuôi sống người, thợ nghề làng La Xuyên cũng tự hào, mỗi buổi sáng, cứ cầm đục ra, chăm chỉ ngồi đục, tỉa tót là “tối ngày đầy công”. Trong hợp âm của tiếng đục đẽo, tiếng máy vanh, máy quật… hòa vào nhau đều đặn mỗi ngày, chúng tôi nghe không ngớt tiếng của những thanh niên trai tráng, các chị đầu quấn khăn kín mít vẫn kịp trao đổi những câu chuyện hằng ngày một cách vui vẻ… Vì thế, chúng tôi cũng tin, nghề nhất định không phụ công người chăm chỉ, sáng tạo.

Theo ước tính hiện nay ở làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên có hơn 40 doanh nghiệp và gần 2.000 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động, trong đó thợ chạm khắc chiếm tới 60%, thợ ngang chiếm tới 30%, đa số người dân ở đây hộ nào cũng làm nghề mộc, chạm khắc gỗ.

laxuyen2

Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ làng nghề La Xuyên

PV: Bà có thể giới thiệu đôi nét về Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Lương Ủy và quy trình để hoàn thiện các sản phẩm?

Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Lương Ủy được thành lập từ năm 2003, có địa chỉ tại xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, là một trong các đơn vị sản xuất đồ gỗ lớn mạnh và lâu đời tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên. Đi lên từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, giai đoạn đầu mới được thành lập với đội ngũ là các nghệ nhân, thợ mộc nhiều kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất chế tác đồ gỗ, đây là giai đoạn mới hình thành còn gặp nhiều khó khăn nhưng mọi người trong công ty đã xây dựng lên một công ty sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có thương hiệu không chỉ ở làng nghề La Xuyên mà còn trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh thành lân cận.

Sản phẩm của Công ty chủ yếu là các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ: Hương án, bát biểu, tượng, cửa, sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối,… được sản xuất từ các loại gỗ tự nhiên, có giá trị thẩm mỹ và độ bền cao như: Gỗ gụ, gỗ hương, gỗ trắc, gỗ mít, gỗ mun. Để hoàn thiện sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cũng nhiều công phu, nó đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, có ý tưởng, có bàn tay khéo léo và kỹ thuật cao để từ những miếng gỗ sần sùi sẽ tạo ra cả một thế giới của hình khối mang cái hồn, cái thần của sản phẩm. Quy trình sản xuất gồm nhiều công đoạn, bắt đầu từ những khối gỗ to, nhỏ, người thợ phải đo đạc, định hình sản phẩm, tính toán sao cho hợp lý. Công việc của người thợ chạm cũng đòi hỏi sự kiên trì của người thợ, họ phải cặm cụi, tỉ mẩn bóc tách ra những phần gỗ thừa, tạo ra những hình ảnh hoa lá, chim muông cỏ cây sống động, tinh xảo,… Sự thông minh, ứng biến linh hoạt của những người thợ vô cùng quan trọng, điều đó có thể tạo ra sản phẩm mang tính nghệ thuật cao bởi người thợ cũng như là một hoạ sĩ song tạo hình trên những khối gỗ thì còn khó hơn nhiều. Khâu cuối cùng là đánh bóng, đây là một công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi một kỹ thuật, một ngón nghề riêng của mỗi người.

laxuyen3

Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Lương Ủy

PV: Trong quá trình sản xuất, phát triển, doanh nghiệp mình đã nhận được những hỗ trợ, đồng hành nào của cơ chế, chinh sách Nhà nước?

Trong những năm vừa qua hoạt động khuyến công đã luôn đồng hành cùng với sự phát triển của công ty, đặc biệt là nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Năm 2021 công ty chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và triển khai mua sắm thiết bị tiên tiến vào sản xuất, ngoài nguồn vốn của công ty còn nhận được sự hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia. Thiết bị công ty đầu tư là máy đục CNC với nhiều tính năng hiện đại, tiên tiến: Được kết nối với máy tính và lập trình PLC 3D và 4D theo thiết kế trên phần mềm, tự động hóa với các chi tiết kỹ thuật cao, do vậy sản phẩm sản xuất ra đạt độ chính xác cao, không có sản phẩm hỏng dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm được gia tăng.

Cùng với nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công ty cũng nhận được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia nội dung: Hỗ trợ tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ marketing.

Công ty chúng tôi rất cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 và mong muốn rằng trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 nói riêng cũng như sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành nói chung để tiếp tục phát huy và nâng tầm thương hiệu công ty trên thị trường.

laxuyen4

Thiết bị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí KCQG năm 2021

PV: Để làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên ngày càng phát triển, bà có đề xuất, kiến nghị gì không?

Để phát triển làng nghề, tôi kiến nghị, đề xuất những giải pháp chính như sau:

– Hoàn thiện quy hoạch làng nghề:

Quy hoạch làng nghề huyện Ý Yên nên lựa chọn những ngành nghề có thế mạnh, ưu tiên ngành nghề truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ để phát triển. Quy hoạch phát triển làng nghề theo hướng hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, đảm bảo xây dựng mặt bằng và hệ thống xử lý chất thải; cần gắn liền với việc đảm bảo nguồn lao động và nguyên vật liệu cho sản xuất.

– Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho làng nghề:

Chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các chủ hộ sản xuất – kinh doanh, chủ doanh nghiệp các kiến thức về quản trị doanh nghiệp và thị trường. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, có chính sách khuyến khích các chủ hộ, thợ lành nghề tham gia vào quá trình đào tạo nghề cho lao động.

– Phát triển làng nghề gắn với du lịch:

Cần xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, các tour du lịch và chương trình quảng bá du lịch gắn với làng nghề. Xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm cùng với hoàn thiện hệ thống giao thông và cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch. Tập huấn, năng cao năng lực cho người dân về làm du lịch cộng đồng.

Xin cảm ơn bà, kính chúc công ty ngày càng phát triển./.

Thực hiện: Văn Dương – Trung tâm 1