14/12/2018

Làng cổ Cự Đà lưu giữ nét xưa, nghề xưa

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), ngày nay vẫn giữ gìn vẹn nguyên những nét cổ kính, mộc mạc, những sản phẩm truyền thống đặc trưng của vùng quê Bắc bộ. Làng cổ bên dòng Nhuệ Giang
Nằm bên dòng Nhuệ Giang một thời xanh trong, bồi đắp cả một vùng nông thôn trù phú, có một ngôi làng mà khi đặt chân tới đây, ta tưởng chừng như thời gian được quay trở lại nửa thế kỷ trước bởi nét cổ kính của kiến trúc đi ngược thời gian. Nếu Đường Lâm là làng Việt cổ điển hình của vùng trung du, thì Cự Đà lại là ngôi làng mang những đặc trưng cơ bản nhất của làng cổ ven sông.
cuda1
Ngôi nhà cổ mang lối kiến trúc kiểu Pháp còn sắc nét
Bước qua cổng làng rêu phong là trục đường chính chạy song song bên dòng sông Nhuệ với những ngõ xóm hẹp đâm ngang tạo thành hình xương cá độc đáo. Mỗi xóm đều có cổng riêng kiên cố chạy dài ra đến sông với những thềm gạch vươn tận mép nước. Từ đó tỏa ra hàng chục con ngõ lớn, nhỏ dẫn vào các xóm với những cái tên gợi nhớ nét văn hóa truyền thống như xóm Lễ Nghĩa, xóm Hiếu Đễ…. dẫn du khách tới những căn nhà cổ có giá trị kiến trúc cao với hoa văn chạm khắc tinh xảo. Những kiến trúc độc đáo đó là sự quy hoạch tự nhiên điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp, vừa thương mại.
cuda2
Cự Đà là sự kết hợp giữa kiến trúc cổ điển và hiện đại
Bến sông Nhuệ trước đây từng là nơi buôn bán, thuyền bè tấp nập. Đứng trước sự thay đổi của thời cuộc, tốc độ đô thị hoá ngày càng mạnh mẽ, những ngôi nhà cổ trong làng còn lại ít dần. Cự Đà giờ chỉ còn là ngôi làng cổ một thời còn lưu giữ vẹn nguyên dấu ấn của làng quê Việt Nam với mái đình, cây đa, bến nước, lối kiến trúc kiểu Pháp còn sắc nét thi thoảng chào đón những du khách ưa khám phá mà vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mực.
Óng ả sắc vàng của miến, tương
Không chỉ nổi tiếng với không gian văn hóa độc đáo, làng cổ Cự Đà còn được mọi người biết đến bởi các nghề truyền thống, đặc biệt là nghề làm miến. Vào những ngày nắng đẹp, chỉ cần qua cổng làng thôi là đâu đâu cũng thấy những dải lụa bằng miến phơi trong nắng cứ thế nối tiếp nhau tầng tầng, lớp lớp, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, thu hút sự tò mò của những du khách và cả những nghệ sĩ nhiếp ảnh.
cuda3
Những phên miến được phơi tập trung ở bãi phơi
Như bao nghề truyền thống khác, làm miến đòi hỏi người thợ có sự cẩn trọng và tận tụy hết mình trong từng công đoạn. Để sợi miến đạt đủ độ thơm ngon và dai khi nấu, người làm không thể bỏ qua, hay làm ẩu ở bất kỳ bước nào. Từ chọn loại củ dong riềng ngon, đem xay thành bột đến công đoạn phơi miến cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, phải canh thời gian, canh nắng sao cho khi cắt ra sợi miến không bị vụn, bị nát. Miến phơi đủ nắng, người ta bắt đầu cắt nhỏ thành sợi vừa ăn, nhìn sợi miến vừa dài, vừa bé, vừa mịn là biết đây là miến của làng Cự Đà.
cuda4
Làm miến dong là nghề chính của nhiều hộ gia đình
Chị Đinh Thị Trung, một thợ làm miến lâu năm cho biết, cả làng hiện còn khoảng 20 hộ làm miến. Miến làng Cự Đà làm quanh năm, nhưng bận rộn nhất thì rơi vào tầm tháng 11, 12, dịp Tết đến. Vào thời điểm này, lượng miến sản xuất, tiêu thụ tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, nhiều khách hàng phải đặt hàng từ trước mới có hàng để lấy, chủ yếu là bán cho khách quen. Giá miến khoảng 40-50 nghìn/kg tuỳ loại.
Cự Đà còn một đặc sản nữa là tương – thứ nước chấm truyền thống trên mâm cơm của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Đi bộ dọc trục đường chính, tôi được người trong làng chỉ tới ngôi nhà cổ số 252, ngôi nhà của ông Đinh Trọng Tình, người có thâm niên làm tương Cự Đà truyền 5 đời.
cuda5
Gia đình ông Tình chuẩn bị cho mẻ tương mới
Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Tình vẫn còn rất nhanh nhẹn, khi thấy tôi lại hỏi thăm, ông thân tình chia sẻ, gia đình ông đã trải qua 5 đời làm tương, 15 tuổi ông đã bắt đầu theo cha học nghề. Nay ông truyền lại cho con, cho cháu. Tương gia truyền nhà ông thường được bán cho những mối quen xây dựng từ lâu trong Nam ngoài Bắc, có khi người bán và người mua còn không biết mặt nhau.
Tương Cự Đà được làm từ 4 nguyên liệu chính là đậu tương, gạo nếp, nước và muối. Mỗi công đoạn làm tương đều rất cầu kỳ, kể từ lúc chọn gạo, thổi xôi cho đến tương thành phẩm phải mất khoảng 1 tháng. Mùa làm tương được bắt đầu bằng mùa rau muống, khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Vào vụ, những chum tương vàng nâu sóng sánh dưới trời nắng to, được người làm nghề nhẹ nhàng khuấy đều, thoảng mùi thơm thanh đạm, đặc trưng của tương nếp Cự Đà. Người Cự Đà thường làm tương mùa hè, vì theo ông Tình chia sẻ tương làm vào mùa nóng có hương vị đặc biệt thơm ngon hơn mùa rét.
Mặc dù số hộ làm tương trong làng hiện chỉ còn khoảng 6-7 hộ nhưng các hộ sản xuất luôn ý thức trong việc đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho mỗi sản phẩm xuất ra thị trường. Nhờ đó, tương nếp Cự Đà ngày nay đã trở thành thương hiệu riêng của người Cự Đà.
Nhờ những nét văn hóa, làng nghề truyền thống đặc sắc, dân làng ở đây cho hay, thỉnh thoảng Cự Đà cũng đón một vài nhóm du khách nước ngoài hay những người yêu nghệ thuật tới thăm quan. Hy vọng một ngày không xa, những sợi miến vàng, những hũ tương thơm sẽ không dừng lại ở trong nước, mà tiếp tục nối tiếp nhau, vươn ra thị trường thế giới…
Theo Tạp chí công thương